- Phương pháp học tập và vai trò của người giáo viên chủ nhiệm:
Ở các cấp học phổ thông, người GVCN có vai trò rất quan trọng, được coi như linh hồn đối với học sinh lớp chủ nhiệm. Họ vừa là người truyền đạt các chủ trương giáo dục của nhà trường đến với phụ huynh và học sinh; vừa là người trực tiếp thực hiện các chủ trương ấy. Vậy làm thế nào để người GVCN thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện tại lớp, không chỉ giáo dục nhân cách đạo đức cho HS mà còn rèn giũa, giáo dục cho các em phương pháp học tập khoa học, hiệu quả nhất. Sau đây tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm để người GVCN hình thành phương pháp học tập cho học sinh lớp mình.
Thông thường khi nhắc đến vai trò của người GVCN, chúng ta thường chỉ nghĩ tới nhiệm vụ giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh và coi việc hướng dẫn cách học tập cho các em là phần việc của cha mẹ hoặc các thày cô giáo bộ môn. Trong thực tế, không phải bậc phụ huynh nào cũng quan tâm dạy được cho con phương pháp học tập, cũng như việc hướng dẫn phương pháp học tập của mỗi GV bộ môn thường mang tính chất riêng lẻ, gắn với đặc trưng của từng môn học. Muốn HS của mình có phương pháp học tập tốt để từ đó hoàn toàn chủ động trong việc nắm bắt kiến thức của mọi môn học trong quá trình học tập thì còn rất cần đến sự “vào cuộc” của người GVCN.
Đối với mỗi học sinh, mái trường là nơi đưa các em tới chân trời tri thức. Muốn chiếm lĩnh được những tri thức quý giá, mỗi học sinh cần có phương pháp học tập phù hợp. Có thể nói phương pháp học tập là chiếc chìa khóa vạn năng giúp các em mở những cánh cửa tri thức diệu kì.Và hơn ai hết cùng với cha mẹ, thầy cô chủ nhiệm sẽ là người hướng dẫn rèn giũa để các em có được phương pháp học tập khoa học. Đặc biệt, ngay cả khi cha mẹ học sinh không có khả năng quan tâm đến vấn đề này thì chính thầy cô là người quan trọng nhất trong việc giáo dục các em có một phương pháp học tập thích hợp, đáp ứng yêu cầu của qúa trình học tập.
Vậy việc giáo dục này nên được thực hiện như thế nào?
II. Cách hình thành , hướng dẫn phương pháp học tập cho HS trong công tác chủ nhiệm:
1. Hình thành phương pháp giáo dục qua môn học mình giảng dạy:
Mỗi GVCN ở cấp THCS cũng đồng thời là giáo viên bộ môn giảng dạy từ 1-> 2 môn học của lớp chủ nhiệm. Đây là điều kiện thuận lợi để GV quan tâm nắm chắc lực học của từng HS, từ đó có những điều chỉnh thích hợp trong việc hướng dẫn các em phương pháp học tập.
Cùng với việc hướng dẫn các em cách học tập bộ môn do mình giảng dạy,chúng ta nên có những hướng dẫn để các em nắm được bản chất của quá trình chiếm lĩnh và tích luỹ tri thức. Đó là một quá trình mang tính chủ động, sự chủ động càng cao thì kết quả của việc tiếp thu tri thức càng rõ rệt. Đôi khi những kinh nghiệm về phương pháp học nói chung được nhận thức ra ngay trong khi các em nắm những kĩ năng học tập trong một bộ môn cụ thể.
Khi giảng dạy môn Ngữ văn, tôi luôn lưu ý với HS, môn Văn là một bộ môn khoa học xã hội. Muốn học tốt môn Văn cần phải có những hiểu biết nhất định về xã hội, về cuộc sống. Thực chất mỗi tác phẩm văn chương là một mảng của đời sống được chắt lọc, cô đúc và phản ánh qua các hình tượng nghệ thuật. Vì vậy học tác phẩm văn chương các em đang được gặp gỡ, được tìm hiểu những cuộc đời, những con người mà ta có thể gặp ở bất cứ đâu trong cuộc sống hàng ngày. Học văn các em sẽ hiểu hơn về con người, về cuộc đời và yêu hơn quê hương, đất nước. Biết bao tình cảm đẹp dược bồi dưỡng vun đắp từ môn học Ngữ văn. Nhận thức được đặc trưng của bộ môn như vậy, các em sẽ hào hứng và cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong quá trình học Văn.
Rồi từ những nhận thức về vai trò của môn Văn, các em sẽ được hướng dẫn về cách tiếp nhận những tác phẩm văn học thông qua đọc lướt, đọc sâu và đọc sáng tạo. Cách trả lời những câu hỏi trong phần tìm hiểu bài và rút ra những cảm nhận, đánh giá của riêng mình về đặc sắc nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Cũng từ việc đọc kĩ các văn bản và sách tham khảo, HS sẽ trau dồi và nâng cao được vốn ngôn ngữ; và bằng vốn ngôn ngữ ấy, các em lại có thể trình bày tốt những điều mình đã cảm nhận về văn bản.
Còn đối với các tiết Tiếng Việt và Tập làm văn, tôi định hướng hình thành kiến thức cho các em theo phương pháp quy nạp. Để các em tự rút ra được bài học từ việc tìm hiểu mẫu (ví dụ), từ đó yêu cầu HS nắm chắc ngay phần kiến thức mà các em vừa chốt. Và để tránh nhàm chán trong các tiết học tiếng Việt và Tập làm văn, giúp HS hào hứng và thực sự chủ động trong học tập, tôi thường sáng tạo các kiểu bài tập mới dưới hình thức các trò chơi tập thể cho HS. Và thực tế cho thấy các em rất hào hứng và chủ động khi tham gia các giờ học như thế. Kiến thức khô khan trở nên sinh động và được khắc sâu một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.
Trong các tiết ôn tập hoặc đối với những bài cần hệ thống hoá kiến thức, tôi hướng dẫn học sinh cách lập bản đồ tư duy để giúp các em khái quát hệ thống hoá kiến thức một cách toàn diện. Đôi khi các bản đồ tư duy không chỉ giúp các em khái quát kiến thức của một chương, một phần hay một học kì mà còn giúp các em hệ thống kiến thức theo trục hàng dọc từ năm này sang năm khác. Kĩ năng này trở nên quen thuộc và được các em sử dụng thành thạo, hiệu quả trong quá trình học tập.
Khi hướng dẫn học sinh phương pháp học như vậy, tôi thấy đa số các HS đã chủ động hào hứng hơn trong học môn Văn, nhờ thế mà kết quả học tập của các em cũng được nâng cao.
Như vậy từ việc học Văn, các em sẽ thấy với bất kì môn học nào, sự chủ động tích cực của HS cũng mang tính chất quyết định đối với kết quả học tập.
2. Hướng dẫn phương pháp học tập cho HS qua các hoạt động khác.
Từ đặc trưng ý nghĩa của môn Văn tôi cũng trao đổi, trò chuyện với HS về môn Toán và các môn học cơ bản khác. Tôi giảng giải cho các em hiểu vai trò của từng môn học với các em quan trọng như thế nào và phương pháp học tập cơ bản đối với từng nhóm môn học. Việc làm này được thực hiện trong những tiết sinh hoạt đầu năm, khi các em bước vào năm học mới, bắt đầu làm quen với những môn học mới. Các tiết sinh hoạt ngoại khoá chủ đề về phương pháp học tập lồng ghép với hoạt động giáo dục đạo đức , dù chiếm thời gian không nhiều nhưng cũng rất có ý nghĩa. Ví dụ: Trong các buổi sinh hoạt, ngoài nhắc nhở nề nếp học tập và thi đua, GVCN có thể dành thời gian cho các em thảo luận chủ đề: “Vai trò của các môn học cơ bản với chúng ta” hoặc: “Bạn đã học Văn, học Toán và tiếng Anh như thế nào?”
Hay: “Làm thế nào để viết văn hay?” và : “Cách học từ mói tiếng Anh nhanh nhất”.
Đồng thời, để kiểm tra sự chủ động của HS trong học tập, GVCN nên tổ chức cho các em tự kiểm tra kiến thức cơ bản của từng môn học trong những giờ truy bài đầu buổi học, đặc biệt chú ý vào những môn học cơ bản yêu cầu cao về sự lô gích trong kiến thức. VD: Giao cho lớp trưởng kiểm tra hệ thống các định lí và hệ quả của môn Toán trong tuần, tháng, học kì; Kiểm tra các cấu trúc ngữ pháp và hệ thống từ mới tiếng Anh; kiểm tra nội dung chủ đề và những đặc sắc nghệ thuật của các văn bản trong môn Ngữ văn. Đương nhiên những hoạt động này cần có sự giám sát kiểm tra của GVCN và sự trợ giúp của GV bộ môn nếu cần.
Xây dựng và tổ chức các câu lạc bộ dành cho bạn yêu thích môn học trong lớp. Mỗi câu lạc bộ cử ra một em có khả năng học tốt nhất môn học đó làm nhóm trưởng. Câu lạc bộ có thể sinh hoạt định kì mỗi tháng hoặc hai tuần một lần để các em trao đổi về phương pháp học tập bộ môn, trao đổi kiểm tra kiến thức lẫn nhau, trao đổi bài khó hoặc tổ chức các hoạt động chơi mà học.
Qua những hoạt động trên, chúng ta đã giúp HS hình thành không chỉ là phương pháp học tập chủ động mà cả tinh thần, thái độ tích cực, chủ động trong học tập.
3. Định hướng phương pháp học tập khoa học:
Theo tôi , khi hướng dẫn HS phương pháp học tập, người GVCN cần luôn nhắc HS ghi nhớ những nguyên tắc sau:
a. Luôn cần cù siêng năng học tập theo hướng: “Năng nhặt chặt bị”
b.Phải luôn chủ động trong quá trình học tập : Cá nhân HS chủ động học tập, tập thể và cán bộ lớp chủ động kiểm tra. Học từ nhiều nguồn, đẩy mạnh hiệu quả của việc học tập từ các phương tiện hiện đại.
c.Nắm chắc kiến thức theo hướng đi từ khái quát, cơ bản đến cụ thể, nâng cao: Cần học hiểu bản chất kiến thức; Tránh tình trạng học vẹt hoặc chỉ học cái cụ thể mà không nắm được vẫn đề khái quát theo kiểu “ Thấy cây mà chẳng thấy rừng” hay nhiều học sinh ở các lớp chọn lại rơi vào tình trạng không chú ý nắm chắc kiến thức cơ bản mà đã vội học kiến thức nâng cao, như vậy khác nào “Chưa học bò đã lo học chạy.”
d.Luôn liên hệ thực tế trong học tập, học đi đôi với hành.
Giáo dục, hình thành phương pháp học tập khoa học cho HS là một yêu cầu không thể thiếu của người giáo viên chủ nhiệm trong quá trình giáo dục toàn diện tại lớp chủ nhiệm. Với những hoạt động phù hợp, chắc chắn người GVCN sẽ giúp học sinh hình thành được một phương pháp học tập khoa học. Giúp các em đạt thành tích cao hơn trong học tập, để rồi bay cao bay xa đến chân trời mơ ước.
Công tác chủ nhiệm lớp không ít khó nhọc và đòi hỏi nhiều tâm sức của người thầy giáo nhưng cũng thật đáng tự hào. Chúc các đồng chí GVCN, bằng tâm huyết và sáng tạo của mình, sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa trong công tác chủ nhiệm.