Như chúng ta đã biết, văn hóa sư phạm (VHSP) liên quan trực tiếp đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một tổ chức nhà trường cụ thể. Nó hợp thành một hệ thống các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và quy tắc ứng xử được xem là tốt đẹp và được mỗi cá nhân trong tổ chức thừa nhận và tuân theo. Đặt trong khái niệm môi trường văn hóa, ta hiểu môi trường văn hóa sư phạm là tổng thể sống động các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể trong nhà trường, các yếu đó tác động lẫn nhau và có quan hệ tương tác với giáo viên và học sinh, nhằm phát triển, phát huy vai trò của cả thầy và trò trong môi trường ấy. Căn cứ theo hình thức biểu hiện thì môi trường văn hóa nhà trường gồm phần nổi có thể nhìn thấy như: không gian cảnh quan nhà trường, lôgô, khẩu hiệu, hành vi giao tiếp... và phần chìm không quan sát được như: niềm tin, cảm xúc, thái độ, trách nhiệm, nhiệt huyết...
Từ góc độ tổ chức, VHSP có thể được thể xác định với 03 vai trò căn bản:
- Thứ nhất, VHSP tạo động lực làm việc và góp phần nâng cao chất lượng của nhà trường.
- Thứ hai, VHSP hỗ trợ điều phối và kiểm soát hành vi của các cá nhân bằng các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc và bằng dư luận.
- Thứ ba, VHSP giúp các thành viên, tổ chức trong nhà trường thống nhất về cách nhận thức vấn đề, cách đánh giá, lựa chọn, định hướng và hành động trong mọi hoạt động của nhà trường.
Trong giáo dục hiện nay, việc xây dựng môi trường sư phạm văn hóa rất quan trọng. Nó đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển các hoạt động giáo dục của nhà trường, góp phần phát triển toàn diện nhân cách học sinh, đồng thời giúp người thầy tự hoàn thiện nhân cách.
Đối với sự phát triển của nhà trường, môi trường sư phạm văn hóa sẽ giúp cho nhà trường thực sự trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi hội tụ sức mạnh của trí tuệ và lòng nhân ái trong xã hội, góp phần quan trọng tạo nên sản phẩm giáo dục toàn diện. Môi trường sư phạm văn hóa góp phần thúc đẩy mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.
Đối với đội ngũ CBGV nhà trường, môi trường văn hóa sư phạm thúc đẩy sự sáng tạo cá nhân, tạo nên tình thương yêu chân thành giữa thầy cô với học sinh, gắn kết tình bạn bè, tình đồng nghiệp…và đảm bảo cho sự hợp tác vì mục tiêu chung. Thày cô giáo là người trực tiếp tham gia hoạt động dạy học. Và hơn ai hết, chính nhân cách nhà giáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhân cách học trò.
Đối với học sinh, văn hóa tạo nên giá trị đạo đức và có vai trò điều chỉnh hành vi. Khi được giáo dục trong một môi trường văn hóa và thấm nhuần hệ giá trị văn hóa, học trò không những hình thành được những hành vi chuẩn mực mà quan trọng hơn là ẩn chứa trong tiềm thức các em niềm tin sâu sắc vào những điều tốt đẹp, từ đó, khao khát cuộc sống hướng thiện và sống có lý tưởng. Đồng thời, môi trường văn hóa sư phạm còn giúp các em về khả năng thích nghi với xã hội.
Chính vì vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa sư phạm trong nhà trường là vô cùng cần thiết, có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy công tác dạy học của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.