Lời nói đầu
Các bạn thân mến!
Trong cuộc đời người thày giáo, có lẽ, niềm vui lớn nhất là có được những thành công trong nghề nghiệp, có những học trò trưởng thành từ sự dìu dắt của mình. Một ngày nào đó, giữa dòng đời náo nhiệt và bộn bề lo toan, các em nhớ về thầy cô; thầm biết ơn những bài giảng như được chắt ra từ tâm huyết của người thầy mà trong tâm hồn các em còn đọng mãi. Đó là niềm vui lớn của mỗi chúng ta.
Tôi cũng có một kỉ niệm, vui mà buồn, muốn chia sẻ cùng các bạn. Một học trò của tôi đã ra trường được 6 năm; hiện tại em đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học. Nhưng năm nào em cũng nhớ ngày sinh nhật của tôi. Em vốn là một học sinh giỏi Văn, sống tình cảm và sâu sắc. Ngày sinh nhật năm nay tôi nhận được tin nhắn chúc mừng của em. Đáng lẽ tôi phải vui lắm, vậy mà khi đọc tin nhắn ấy tôi không khỏi giật mình,học sinh của tôi sao giờ đây lại viết chính tả thế này: “ E kinh ckuc co^ sink nka^t zui ze, mog co^ kua e ngay kang mank khoe, kong tak to^t , đat nkiu tkank cong (.) kuo^c so^ng !”. Hỏi ra tôi mới biết đó là kiểu viết chữ Việt mới mà giới trẻ bây giờ sáng tạo ra và sử dụng một cách thường xuyên. Cái mà các em gọi với cái tên “ngôn ngữ Việt Nam mới” là như thế này sao?! Tôi thấy mình như người có lỗi.
Thật buồn thay khi một thế hệ tương lai của dân tộc vẫn đang ngày ngày hồn nhiên viết nên những nét chữ sai lệch hoàn toàn với chính tả dân tộc. Trên dòng tin nhắn, trong dòng “Chat”, trên bức thư điện tử của các em, cách viết ấy hầu như đã độc chiếm hoàn toàn.
Sự trong sáng của Tiếng Việt đang bị ăn mòn trong cách viết, lối nói hàng ngày mà bản thân các em và cả một số người lớn chúng ta không hay biết.
Ta có chắc không một ngày nào đó, trong bài làm văn của các em, những kiểu chữ quái đản ấy không bò vào làm hoen ố trang giấy trắng học trò.
Tiếng Việt đang kêu cứu!!!
Mỗi chúng ta, đặc biệt là những giáo viên dạy văn, hãy làm gì để cứu lấy tiếng Việt. Trách nhệm tưởng chừng mơ hồ nhưng nặng nề và lớn lao ấy của ta lại bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất hôm nay!
Cấu trúc đề tài
PHẦN MỞ ĐẦU
- Mục đích ý nghĩa của đề tài
- Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG
A. Những vấn đề chung
B. Các nội dung của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong dạy học tiếng Việt
I. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt qua những hoạt động ngoài tiết dạy
II. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt qua việc thiết kế bài giảng tiếng Việt theo hướng tích cực.
C.Một số giáo án thực nghiệm
D.Các nguyên tắc trong dạy học tiếng việt hướng đến mục đích giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
PHẦN KẾT LUẬN
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
PHẦN MỞ ĐẦU
I. Mục đích ý nghĩa của đề tài
Viết đề tài “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong dạy học tiếng Việt”, tôi muốn chia sẻ với đồng nghiệp một số kinh nghiệm nhỏ trong quá trình giảng dạy tiếng Việt.
Theo tôi, dạy tiếng Việt là một quá trình sáng tạo. Khi ta còn loay hoay,chìm lún dưới quan niệm: chỉ có thể dạy hay và hấp dẫn ở những tiết tìm hiểu văn bản thì việc giảng dạy giờ tiếng Việt thành công và thành công ở mức độ nào là điều chúng ta phải trăn trở và không dễ thực hiện. Đặc biệt, làm thế nào để quá trình dạy học tiếng Việt của chúng ta thực hiện tốt được yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại càng là một vấn đề lớn mà ta cần trao đổi và đi đến một định hướng chung. Đến với đề tài này, tôi muốn đặt ra cho mình mấy mục tiêu:
Làm thế nào để qua những giờ học tiếng Việt, học sinh thấy được tiếng Việt rất trong sáng, rất giàu và đẹp.
Từ những nhận thức về giá trị của tiếng Việt, học sinh xác định được ý thức nghiêm túc trong học tập, say mê hứng thú trước mỗi giờ học tiếng Việt; từ đó có những nhận thức tích cực về việc nói và viết tiếng Việt sao cho đúng, cho hay.
Với những mục đích trên, đề tài có những ý nghĩa nhất định trong việc giúp người GV tự trau dồi chuyên môn và giáo dục học sinh ý thức học tập, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt:
- Trước hết, khi đặt ra định hướng này cho mình trong quá trình giảng dạy tiếng Việt, bạn đã tự đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc và khắt khe với chính mình. Nếu để dạy đúng giờ tiếng Việt ta chỉ cần một phần công sức thì để dạy “hay” cũng giờ dạy ấy ta cần gấp năm, thậm chí là mười lần công sức như thế.
- Trong tình trạng hiện nay, khi lớp trẻ, đặc biệt là các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường, coi việc viết và nói tiếng Việt theo kiểu mới của riêng các em là “mốt” thì đề tài càng có ý nghĩa giáo dục tích cực.
Trên đây là những mục tiêu ý nghĩa của đề tài “ Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong dạy học tiếng Việt” mà người viết muốn trao đổi cùng đồng nghiệp.
PHẦN NỘI DUNG (Lược)
(………………………………………………………………………………………)
GIÁO ÁN THỰC NGHIỆM
Bài 11 – T43 – SGK ngữ văn 7:
TỪ ĐỒNG ÂM
- Mục đích yêu cầu: Qua giờ học, học sinh nắm được:
- Kiến thức: Bản chất khái niệm từ đồng âm, những dấu hiệu nhận biết từ đồng âm, phân biệt từ đồng âm với từ gần âm và từ nhiều nghĩa.
Tích hợp: Văn bản: “Mao ốc vị thu phong sở phá ca”.
“Từ nhiều nghĩa”, “Từ đồng nghĩa”
“Từ trái nghĩa”, “Biện pháp chơi chữ”
B.Chuẩn bị:
.Ổn định tổ chức.
(3 - 4 phút) - Kiểm tra bài cũ: Thế nào là từ trái nghĩa? Hiệu quả của việc sử dụng từ trái nghĩa? Cho ví dụ?
- Tổ chức các hoạt động dạy học
1. Đặt vấn đề theo hướng tích hợp:
(1 – 2 phút). Dẫn lời A. Phông xơ – Đô đê, khẳng định tầm quan trọng của việc học tiếng nói dân tộc.
Dẫn lời Hồ Chí Minh: “Tiếng Việt là của cải vô cùng quý giá và lâu đời của người Việt Nam ta”.
Tiếng Việt giàu và đẹp nhờ các hiện tượng từ: Đồng nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa và đặc biệt là từ đồng âm khác nghĩa.
C. Các hoạt động dạy- Học:
Thầy
|
Trò
|
Kiến thức cần đạt
|
Giáo viên đưa ví dụ:
- Giải thích nghĩa của mỗi từ “Bác”, “Tôi” trong 2 câu?
|
20 phút
- Học sinh đọc ví dụ: Nhận xét chỉ ra từ loại của 2 từ.
|
- Thế nào là từ đồng âm:
- Tìm hiểu ví dụ: (Ngoài sách giáo khoa)
- Bác1 bác2 trứng
Bác1: Đại từ; bác2: động từ.
Tôi1 tôi2 vôi:
Tôi1: đại từ; tôi2: động từ
|
- 2 từ “đá” có gì khác nhau?
- Nghĩa các từ “Bác”, “tôi”, “đá” có liên quan gì tới nhau không?
|
|
- Con ngựa đá con ngựa đá
Đá1: Động từ; Đá 2: Danh từ.
àCác từ:
- Cùng vỏ âm thanh
- Nghĩa khác xa nhau
|
- Giải thích nghĩa của 2 từ “Ăn”?
- Giữa 2 nghĩa này có liên quan gì tới nhau?
- Giáo viên nhận xét, khái quát.
|
- Học sinh khá: Phân tích nhận xét
- Học sinh rút ra: Đây là từ nhiều nghĩa
|
- “Nhờ những món ăn đặc biệt đó mà nhà hàng trở nên ăn khách”.
- Ăn1: (trong “món ăn”): Động tử làm định ngữ.
- Ăn2: Tính từ: Thu hút khách, bán chạy hàng
è Nét nghĩa chung: nghĩa gốc: Ăn.
|
3. Hướng dẫn học sinh khái quát kiến thức:
- Thế nào là từ đồng âm khác nghĩa? Dựa vào đâu để phân biệt từ đồng âm với từ nhiều nghĩa?
|
- Học sinh trung bình
- Học sinh khá: Dựa trên mối quan hệ giữa các nghĩa.
|
- Kết luận:
+ Cùng âm thanh
+ Nghĩa khác hoàn toàn
è Lưu ý: Tránh nhầm lẫn từ đồng âm với từ nhiều nghĩa.
|
4. Bài tập nhỏ: Tìm trong thơ hiện tượng từ đồng âm?
|
|
Ví dụ: Từ đồng âm: “Chiều”
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ rột đau chín chiều”
|
Theo em nên hiểu theo cách nào? Vì sao
|
Học sinh yếu – trung bình: 2 cách hiểu.
Học sinh đọc và trả lời: Có 2 cách hiểu.
|
- Sử dụng từ đồng âm khác nghĩa
- Tìm hiểu ví dụ:
- Câu: “Đem cá về kho”
(Ví dụ sách giáo khoa)
Kho: - Động từ: Nấu cho khô, nhừ.
- Ví dụ: Ngoài sách giáo khoa.
Xét bài ca dao:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi1 chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi2 thì có lợi3 nhưng răng không còn.
Lợi2,3: Lợi răng (danh từ)
Lợi ích: Tính từ
è Bài ca dao châm biếm hài hước.
|
- Giáo viên đưa ví dụ (máy chiếu)
- Em hiểu gì về từ “sầu riêng” trong khổ thơ?
|
- Học sinh khá giỏi
|
- Ví dụ ngoài sách giáo khoa
“Chút thương nhớ mong manh
Treo trên đầu ngọn sóng
Trái sầu riêng chín mọng
Rớt tím chiều đơn côi”.
“Sầu riêng”: - Quả (Danh từ)
- Nỗi lòng, tâm trạng (tính từ)
è Cách diễn đạt bất ngờ sâu sắc.
|
- Khi sử dụng từ đồng âm ra lưu ý điều gì?
- Giáo viên chốt ý
|
- Học sinh khá: Quy nạp è Rút kết luận.
- Học sinh đọc phần ghi nhớ sách giáo khoa
|
- Kết luận
- Sử dụng từ đồng âm phải chú ý đến ngữ cảnh (Tránh gây hiểu sai).
- Có thể sử dụng từ đồng âm để tạo cách diễn đạt phong phú, sâu sắc, thú vị (Lối chơi chữ)
- (Kiến thức mở rộng nâng cao)
|
4. Bài tập nhỏ: Đặt câu có sử dụng từ đồng âm khác nghĩa?
|
- 2 học sinh: Giỏi – Trung bình
|
D. Luyện tập củng cố:
20 phút
|
Phần luyện tập của tiết dạy gồm những bài tập sau:
Bài tập 1: Sử dụng bài tập của sách giáo khoa: Học sinh làm trên máy chiếu.
Bài tập 2: Ngoài sách giáo khoa: Bài tập mang tính củng cố kiến thức:
Tìm ra các từ đồng âm khác nghĩa trong khổ thơ sau:
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”.
(Tống biệt hành – Thâm Tâm)
Ngoài ra giáo viên có thể hỏi thêm: Trong đoạn thơ trên, có thể tìm ra từ nào được dùng với nghĩa chuyển không? Học sinh khá có thể trả lời: Từ “tiếng sóng” ở đây dùng với nghĩa chuyển: Sóng lòng: Sự xao động trong tâm hồn. Vậy “sóng ở sông” và “sóng lòng” là từ nhiều nghĩa chứ không phải là từ đồng âm khác nghĩa.
Như vậy, bài tập này vừa giúp các em củng cố lại kiến thức, vừa rèn cho các em khả năng cảm thụ văn chương.
Bài tập 3: Ngoài sách giáo khoa: Dựa vào hiện tượng từ đồng âm khác nghĩa em hãy giải các câu đố sau:
- Tên quả tưởng là tên hoa
Thu về quả chín như là đèn treo? Quả gì? (Quả hồng)
- Mới nghe tên tưởng đã đau
Vắt pha nước uống, bạn mau đoán liền? Quả gì? (Quả quất)
- Vắt không ra nước, càng chơi càng ra nước? Là gì? (Chơi cờ)
- Tên mua được nhiều thứ
Mà lại là loài hoa
Cuống dài không có lá
Hoa không toả hương thơm? Là gì? (Hoa đồng tiền)
Qua phần đưa bài tập, hầu hết các học sinh của tôi đã giải nhanh (trừ một số học sinh tư duy chậm) các câu đố.
Như vậy, chứng tỏ các em đã nhận biết được bản chất của từ đồng âm và có kĩ năng nhận biết loại từ này.
Đặc biệt, khi tôi đưa yêu cầu: Hãy tìm thêm một số câu đố dựa vào hiện tượng từ đồng âm, một số em đã tìm nhanh được như sau:
- “Mồm bò là mồm bò mà lại không phải là mồm bò”? (Ốc sên)
- “Cùng tên mà lại ở xa
Đứa ở dưới nước, đứa trên mái nhà?” Là gì? (Cá mè – Dui mè)
Đáng mừng hơn có một vài em học lực khá - giỏi còn tự nghĩ ra được các câu đố dựa vào hiện tượng từ loại này? Câu đố do các em sáng tạo ra rất bất ngờ, ngộ nghĩnh
Ví dụ: - Tên bánh nghe nhút nhát
Mà ăn lại rất ngon? (Bánh cáy).
- Tên nghe tưởng thổi được
Mà lại là loại hoa? (Hoa loa kèn)
Sau khi được chơi trò giải đố rất sôi nổi, kết thúc giờ học các em đều hiểu bài. Hơn nữa có thể áp dụng kiến thức bài học vào các buổi sinh hoạt tập thể một cách hiệu quả - một hình thức chơi mà học.
HƯỚNG DẪN CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP Ở NHÀ:........
Kết quả giờ dạy:
Qua quá trình tìm hiểu mẫu rút ra kết luận và luyện tập, các em đều nắm bắt được bản chất của từ đồng âm khác nghĩa, cách phân biệt từ loại này với từ nhiều nghĩa, cách sử dụng từ đồng âm. Quan trọng hơn, các em thấy được từ đồng âm khác nghĩa là hiện tượng thú vị trong kho tàng từ loại Tiếng Việt, góp phần làm cho Tiếng Việt thêm phong phú, sinh động,… Đó cũng chính là mục đích yêu cầu của giờ dạy mà tôi nói ở phần trên.
Kết quả cụ thể của giờ dạy về “Từ đồng âm” được thể hiện qua bài kiểm tra 15 phút mang tính khảo sát mà tôi đưa ra ở giờ học sau: Hầu hết các em nhận diện được từ đồng âm khác nghĩa trong bài tập cho ở đề bài. Điều này chứng tỏ các em đã nắm được kiến thức cơ bản của tiết học.
KẾT QUẢ CHUNG:
Qua quá trình giảng dạy tôi nhận thấy, việc thiết kế bài giảng Tiếng Việt theo hướng tích cực được thực hiện đồng thời với các hoạt động ngoài giờ dạy đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng cho Tiếng Việt trong quá trình dạy học Tiếng Việt.
KẾT LUẬN
Trong tình hình hiện nay, khi mà môn Ngữ văn đang mất dần vị thế của nó trong các môn học cơ bản ở trường phổ thông thì nhiệm vụ của mỗi GV dạy ngữ văn càng trở nên lớn lao. Học trò không coi trọng học tiếng Việt, đua nhau đi học ngoại ngữ trong khi ngôn ngữ dân tộc như một thứ của cải quý giá phủ bụi, bị bỏ quên trong hành trang kiến thức của nhiều em. Các em chưa nhận thức được học ngoại ngữ rất cần thiết nhưng ngôn ngữ đáng học tập và trau dồi đầu tiên phải là tiếng nói dân tộc. Đó cũng là một thực trạng chúng ta cần nhận rõ để rồi từ đó nhìn lại quá trình giảng dạy tiếng Việt.
Giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc trong quá trình dạy học tiếng Việt là một nhiệm vụ hàng đầu của người giáo viên Ngữ văn hiện nay. Để thực hiện nhiệm vụ đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải sáng tạo trong mọi hoạt động dạy và học. Mỗi chúng ta, bằng trách nhiệm với nghề, vì tình yêu tiếng Việt, hãy bắt đầu từ những việc làm dù rất nhỏ trong từng bài giảng hôm nay.
Trên đây chỉ là những kinh nghiệm của cá nhân tôi trong quá trình giảng dạy tiếng Việt nhằm hướng đến mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Rất mong nhận được những góp ý, trao đổi quý báu của đồng nghiệp để đề tài của tôi được hoàn thiện.
Dù xã hội có phát triển đến đâu, dù khoa học kĩ thuật phát triển đến bậc nào thì văn học và ngôn ngữ vẫn mãi giữ vị thế quan trọng trong văn hóa loài người và với mỗi dân tộc. Với lòng yêu nghề, chúng ta tin rằng môn Văn sẽ lấy lại vị trí xứng đáng của một môn học cơ bản trong nhận thức của học trò và xã hội.
Chúc các bạn đồng nghiệp mạnh khỏe và đạt được nhiều thành công trong quá trình đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ “thời thượng” đối với học sinh!