Trong thời đại ngày nay, khi mà khoa học công nghệ ngày càng phát triển kéo theo nhiều mặt thay đổi trong đó có giáo dục. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong thời kỳ hội nhập, thì giáo dục nước ta không ngừng được đổi mới và lần đổi mới này là bước tiến quan trọng trong
cải cách giáo dục. Một trong những sự đổi mới mang tính cách mạng về cách dạy và học của nước ta chính là đưa mô hình trường học mới vào trường phổ thông.
Phương pháp dạy và học theo mô hình trường học mới là: Coi quá trình tự học của học sinh là trung tâm hoạt động giáo dục, giáo viên là người hướng dẫn, đồng hành với học sinh, giúp học sinh tự tìm hiểu và lĩnh hội kiến thức. Là hình thức dạy học đặt học sinh vào môi trường học tập tích cực, trong đó học sinh được tổ chức thành nhóm học tập một cách thích hợp. Cách học này giúp các em rèn luyện và phát triển kĩ năng làm việc, kĩ năng giao tiếp, tạo điều kiện cho học sinh học hỏi lẫn nhau, phát huy vai trò trách nhiệm, tính tích cực xã hội trên cơ sở làm việc hợp tác.
Đối với cấp THCS, việc rèn cho các em các kỹ năng học hợp tác là hết sức cần thiết, tạo điều kiện để các em có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần vào việc giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh.
Trong một tiết dạy học Toán hiện nay, ta thường thiết kế quá trình dạy học theo phương pháp dạy học tích cực và thường sử dụng hai kiểu cấu trúc chính là: Nghe giảng lí thuyết - Theo dõi bài tập mẫu - Luyện tập hoặc Theo dõi bài tập mẫu - Rút ra lí thuyết - Luyện tập. Tuy nhiên, nếu giáo viên sử dụng không hợp lí sẽ dẫn đến lối dạy học mang tính áp đặt, bình quân, đồng loạt. Xuất phát từ thực tế này và với mong muốn hoàn thiện các phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn toán trong mô hình trường học mới, tôi xin đưa ra một phương pháp dạy học tích cực mang tên: “Quy trình dạy học 5 bước”.
Bước 1: Gợi động cơ, tạo hứng thú
Bước 2: Trải nghiệm
Bước 3: Phân tích, khám phá, rút ra bài học
Bước 4: Thực hành
Bước 5: Vận dụng
Bước 1: Gợi động cơ, tạo hứng thú
- Mục đích:
Tạo cho học sinh một động cơ, một ham muốn tìm ra con đường đi tới đích, tìm cách chiếm lĩnh kiến thức mới. Từ đó khơi gợi trí tò mò khoa học, sự hứng thú khám phá cái mới. Đây chính là một biện pháp quan trọng để phát huy tính tự giác, chủ động trong học tập của học sinh.
- Kết quả cần đạt được trong bước 1:
- Kích thích sự tò mò, khơi dậy hứng thú của học sinh về chủ đề sẽ học. Học sinh cảm thấy vấn đề nêu lên rất gần gũi với mình.
- Không khí lớp học vui, tò mò, chờ đợi, thích thú.
- Cách làm:
Đặt câu hỏi; Đố vui; Kể chuyện; Đặt một tình huống; Tổ chức trò chơi…
Có thể thực hiện với toàn lớp, nhóm nhỏ, hoặc cá nhân từng học sinh. Trong một bài học Toán 6 theo mô hình trường học mới, bước 1 này chính là khởi động. Ở đây ta hiểu “Khởi động” có 2 mục đích cần đạt khi tổ chức tiết học:
+ Tạo ra các hoạt động vui chơi, giải trí với mục đích vận động thân thể để học sinh có một tâm lý thoải mái trước khi bước vào một bài học.
+ Tạo ra một tình huống có vấn đề về kiến thức chưa được học, đòi hỏi người học phải tìm cách giải quyết nó, muốn làm điều đó phải tìm một công cụ mới.
- Ví dụ:
Ví dụ 1: Tổ chức các hoạt động trò chơi vận động thân thể nhằm tạo ra tình huống có vấn đề ngay trong trò chơi để dẫn dắt vào bài học mới. Chẳng hạn trong “§1: Tập hợp. Phần tử của tập hợp” .
Ví dụ 2: Tổ chức các hoạt động trò chơi nhằm tạo ra tâm lý thoải mái và tình huống có vấn đề ngay trong hoạt động khởi động. Chẳng hạn trong “§2: Tập hợp các số tự nhiên” .
Ví dụ 3: Tạo ra một tình huống có vấn đề về kiến thức chưa được học, đòi hỏi người học phải tìm cách giải quyết nó, muốn làm điều đó phải tìm một công cụ mới. Chẳng hạn trong “§4: Số phần tử của một tập hợp. Tập hợp con” .
- Chú ý:
- Trong ví dụ 3 bài tập “tìm số tự nhiên x mà x + 5 = 2” là tình huống có vấn đề rõ ràng và học sinh hoàn toàn bỡ ngỡ vì không có cách nào giải được, giáo viên cần phải tận dụng tình huống để kích thích sự tò mò, hứng thú của học sinh.
- Khi bài học không có thiết kế trò chơi thì giáo viên có thể thiết kế trò chơi khác có liên quan bài học để thu hút học sinh.
- Có nhiều bài học không có hoạt động khởi động thì giáo viên tổ chức các hoạt động (không nhất thiết phải gắn với bài học) nhằm mục đích vui chơi, vận động thân thể như hát, chơi trò chơi tập thể, …
- Hoạt động với mục đích vận động thân thể thường rất lôi cuốn học sinh, giáo viên cần chấm dứt hoạt động đúng lúc cần thiết để không làm mất thời gian tiết học.
Bước 2: Trải nghiệm:
- Mục đích:
Để nhận thức được về một đối tượng, một sự việc hay một vấn đề nào đó,người học phải dựa trên vốn kiến thức, vốn kinh nghiệm đã có từ trước. Nếu học sinh không có vốn kiến thức cần thiết, hoặc không có những trải nghiệm nhất định thì không thể hình thành được kiến thức mới. Hơn nữa, trong dạy học môn toán, kiến thức hình thành trước thường là cơ sở để hình thành, phát triển những kiến thức tiếp theo. Do đó, trong dạy học, người giáo viên cần phải tìm hiểu vốn kinh nghiệm và những hiểu biết sẵn có của học sinh trước khi học một kiến thức mới và tổ chức cho học sinh trải nghiệm. Sự định hướng và tổ chức các hoạt động của giáo viên là quan trọng, nhưng vốn kiến thức của học sinh, những trải nghiệm của học sinh vẫn là yếu tố quyết định trong việc hình thành kiến thức mới.
- Kết quả cần đạt trong bước 2:
- Huy động vốn hiểu biết, kinh nghiệm có sẵn của học sinh để chuẩn bị học bài mới.
- Học sinh trải qua tình huống có vấn đề, trong đó chứa đựng những nội dung kiến thức, những thao tác, kĩ năng để làm nảy sinh kiến thức mới.
- Cách làm:
Tổ chức các hình thức trải nghiệm gần gũi với học sinh. Nếu là tình huống diễn tả bằng lời văn, thì câu văn phải đơn giản, gần gũi với học sinh. Có thể thực hiện với toàn lớp, nhóm nhỏ, hoặc cá nhân từng học sinh. Trong một bài học Toán 6, bước 2 này chính là phần chuyển tiếp giữa các hoạt động và cả trong suốt hoạt động. Ở đây ta hiểu “trải nghiệm” là thông qua những tình huống phát sinh thực tiễn dẫn đến những nhu cầu mới, kiến thức mới.
- Ví dụ:
Ví dụ 1:
- Trong “§1: Tập hợp. Phần tử của tập hợp” thì hoạt động trò chơi “Thu thập đồ vật” là một hoạt động trải nghiệm cho kiến thức mới về tập hợp.
- Trong “§2: Tập hợp các số tự nhiên” thì trò chơi “1. Đố bạn viết số” và bài tập “2. Thực hiện các hoạt động” là hoạt động trải nghiệm về tập hợp chỉ có các số tự nhiên, từ đó đặt ra câu hỏi “Tập hợp đó là gì? Tên gọi? Kí hiệu?”
- Trong “§4: Số phần tử của một tập hợp. Tập hợp con” thì bài toán “tìm số tự nhiện x biết x + 5 = 2” là một trải nghiệm bài toán thực tế mà không có đáp số, từ đó đặt ra câu hỏi “vậy những phần tử x này là cái gì? Gọi nó thế nào? Kí hiệu ra sao?”
Ví dụ 2: Đối với môn hình học 6 thì hoạt động trải nghiệm thường dễ nhận biết thông qua các yêu cầu “Thực hiện các hoạt động sau” như: Quan sát và nhận xét, Đọc và làm theo, em vẽ, em viết, …
Bước 3: Phân tích, khám phá – Rút ra bài học:
- Mục đích:
Là quá trình xem xét, nhìn nhận, tìm hiểu đối tượng, sự việc, phát hiện đặc điểm, ý nghĩa của chúng, trên cơ sở đó tìm tòi, khám phá ý tưởng mới. Đúc rút thành bài học, khái niệm, quy tắc lí thuyết hay thực hành mới.
- Kết quả cần đạt được ở bước 3:
- Rút ra được kiến thức, khái niệm hay quy tắc lí thuyết, thực hành mới.
- Nếu là một dạng toán mới thì học sinh phải nhận biết được dấu hiệu, đặc điểm và nêu được các bước giải dạng toán này.
- Cách làm:
- Dùng các câu hỏi gợi mở, câu hỏi phân tích, đánh giá để giúp học sinh thực hiện tiến trình phân tích và rút ra bài học.
- Có thể sử dụng các hình thức thảo luận cặp đôi, thảo luận theo nhóm, hoặc các hình thức sáng tạo khác nhằm kích thích trí tò mò, sự ham thích tìm tòi, khám phá phát hiện của học sinh...
- Ở bước này giáo viên cố gắng nêu ra các câu hỏi từ bước 2 để học sinh có nhu cầu về tìm hiểu kiến thức mới và tìm hiểu nó. Đặc trưng để nhận biết ở bước 3 này chính là hoạt động “đọc kĩ nội dung sau” và các bài tập ngay sau đó.
- Nên soạn những câu hỏi thích hợp giúp học sinh đi vào tiến trình phân tích thuận lợi và hiệu quả.
- Vì học sinh học theo tiến độ cá nhân nên giáo viên không phải lo “chạy” giáo án, do đó cần giành một ít thời gian thích hợp để các em trong nhóm kiểm tra chéo nhau phần kiến thức mới.
- Khuyến khích học sinh đặt câu hỏi tình huống đối với giáo viên hoặc với bạn để nâng cao khả năng tìm tòi, khám phá và nắm sâu kiến thức mới hơn.
- Khi gặp có nghĩa bước 3 (trong tiết đang dạy) đã kết thúc, đây là lúc mà giáo viên cần chốt lại những kiến thức cần thiết của bài học.
Bước 4: Thực hành
- Có thể giao bài tập áp dụng cho cả lớp, cho từng cá nhân, hoặc theo nhóm, theo cặp đôi, theo bàn, theo tổ HS.
- Các bài tập trong hoạt động luyện tập thường được thiết kế theo theo 3 mức: Thấp, trung bình, nâng cao. Tùy đối tượng học sinh mà giáo viên yêu cầu mức độ cần đạt được ngay tại lớp hoặc ra thêm bài tập để nâng cao hơn.
Bước 5: Vận dụng:
- Mục đích:
Vận dụng điều đã học để giải quyết các tình huống trong thực hành, giải thích các hiện tượng trong cuộc sống hoặc thay đổi cách làm cũ.
- Kết quả cần đạt được ở bước 5:
- Học sinh củng cố, nắm vững các nội dung kiến thức trong bài đã học.
- Học sinh biết vận dụng kiến thức đã học trong hoàn cảnh mới, đặc biệt trong những tình huống gắn với thực tế đời sống hàng ngày.
- Cảm thấy tự tin khi lĩnh hội và vận dụng kiến thức mới .
- Cách làm:
- Học sinh thực hành, vận dụng từng phần, từng đơn vị kiến thức cơ bản của nội dung bài đã học.
- Giáo viên giúp học sinh thấy được ý nghĩa thực tế của các tri thức toán học, từ đó khắc sâu kiến thức đã học.
- Khuyến khích học sinh diễn đạt theo ngôn ngữ, cách hiểu của chính các em, tập phát biểu, tập diễn đạt bước đầu có lí lẽ, có lập luận. Bước này là hoạt động và. Ở bước này giáo viên yêu cầu học sinh hoạt động với sự trợ giúp của cộng đồng, cha mẹ, bạn bè, ... tất cả các nguồn học liệu mà các em có thể tìm được như sách báo, internet, ..
Kết quả của bước này sẽ được các em chia sẻ với nhau và báo cáo với thầy cô của mình.
- Chú ý:
- Tuy không yêu cầu các em phải hoàn thành hết tất cả các hoạt động này, nhưng giáo viên nên khuyến khích và động viên các em để nhằm mục đích rèn luyện và hình thành dần kĩ năng sống.
Một số lưu ý khi giảng dạy:
- Có thể hiểu “Quy trình 5 bước lên lớp” chính là phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột” được áp dụng vào trường hợp giảng dạy cụ thể là môn Toán. Quy trình dạy học 5 bước chỉ mang tính tương đối, cho nên kế hoạch bài dạy cần phải được thiết kế linh hoạt và thực hiện mềm dẻo trong quá trình dạy học. Ở bước 4 và bước 5 xét trong phạm vi tổ chức một tiết/bài dạy, cũng có thể chia hai bước này cùng lúc với 3 hoạt động C, D, E.
- Các hoạt động có thể kết hợp với nhau hoặc bớt đi một, hai hoạt động tùy đặc trưng của bài dạy, nhưng hoạt động có tính chất vui chơi, vận động không nên bớt đi mà cần sắp xếp thời gian thêm vào trong mỗi tiết dạy. Nếu bài dạy có 2 tiết dạy liền nhau thì nên có thời gian vui chơi giữa 2 tiết.