GDCD là bộ môn mang tính thực tiễn rất cao, gồm hai phần rất rõ. Phần 1: GD đạo đức. Phần 2: GD pháp luật. Vì vậy, phương pháp dạy cũng cần thay đổi để phù hợp với tính chất đó. Ở HKII, HS chủ yếu học phần GD pháp luật. Để dạy phần này có hiệu quả, phương pháp làm việc theo nhóm ở nhà (thông qua phần giao nhiệm vụ về nhà chuẩn bị nội dung cho tiết học) được tôi chú trọng và sử dụng trong nhiều giờ dạy. Phương pháp này nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, kỹ năng hợp tác, giao tiếp... của HS. HS chính là trung tâm của các hoạt động dạy học.
Với vai trò chủ đạo, GV phải biết cách gây hứng thú cho HS, hướng dẫn các em thực hiện chủ động vai trò của mình bằng nhiều biện pháp: nắm vững nội dung SGK, chuẩn bị tốt bài giảng, xác định mục tiêu bài học. GV phải đặt HS trước tình huống có vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề. Không chỉ giải quyết đơn lẻ mà biết kết hợp nhiều phương pháp, biện pháp. Ngoài SGK, tài liệu tham khảo và đồ dùng dạy học cũng rất quan trọng và không thể thiếu nên GV phải chuẩn bị sẵn các tài liệu trực quan trong SGK, bổ sung thêm những đồ dùng tự mình sưu tầm được, những câu chuyện pháp luật thực tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.... Ngoài ra GV có thể cho các em nghiên cứu phần tư liệu đặt vấn đề trong SGK nếu tư liệu không phù hợp yêu cầu HS tìm nguồn tư liệu mới nhất. GV xây dựng câu hỏi phải hợp lý, vừa sức với trình độ và yêu cầu của HS. Do câu hỏi trong SGK hướng tới các yêu cầu khác nhau như biết và hiểu, vận dụng tính sáng tạo, hình thành kỹ năng rèn luyện phương pháp nên nội dung các câu hỏi đó phải đặt đúng với nội dung bài học. Các câu hỏi phải tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh có mối quan hệ chặt chẽ làm nổi bật nội dung tư tưởng của bài. Hệ thống câu hỏi dduwwocj cụ thể hóa trogn phần giao nhiệm vụ cho từng nhóm.
Ví dụ khi dạy bài: Nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản nhà nước và lợi ích công cộng; tôi tiến hành giao phần làm việc nhóm như sau:
1.Giao nhiệm vụ chung: HS đọc trước bài ở nhà, soạn câu hỏi / SGK.
- GV: hướng dẫn các em cách học chi tiết, chủ động : Sau khi đọc, nghiên cứu bài ở nhà, HS dùng bút gạch dưới những ý chính, ý quan trọng đồng thời trả lời được một số câu hỏi gợi ý của thầy cô hoặc của SGK. Từ đó nảy sinh thắc mắc, phát hiện và ghi nhận các vấn đề bằng câu hỏi để khi học có thể trao đổi trực tiếp với GV. Được giao việc cụ thể thì HS sẽ hoàn thành công việc và học tập một cách độc lập hơn, sáng tạo hơn. Đó là cách vừa tự học vừa tự rèn luyện.
- Ở trên lớp khi thảo luận nhóm, HS vận dụng tư duy để trả lời các câu hỏi của GV với phương châm: tai nghe, mắt nhìn, óc suy nghĩ, tay ghi. Đối với các em, biết tự làm việc với SGK là rất thiết thực, mở lối con đường nghiên cứu trong phạm vi học tập, phù hợp với trình độ và yêu cầu. Điều quan trọng hơn là các em biết phát hiện vấn đề, đặt ra câu hỏi yêu cầu chứ không chỉ dựa vào SGK và bài giảng của GV trên lớp. Không những thế các em còn biết tự kiểm tra đánh giá ngay kết quả học tập của mình. Ngoài ra, HS còn phải biết cách sử dụng những câu hỏi trong SGK để nêu và giải quyết vấn đề. Đây là biện pháp quan trọng để phát triển tư duy của HS trong bộ môn thông qua hệ thống câu hỏi thảo luận.
2.Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm;
Nhóm 1: Tìm hiểu một số điều trong Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự 2009 có liên quan đến nội dung bài học để nắm chắc những quy định của pháp luật liên quan đến nội dung bài học. Từ đó HS có ý thức học tập, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Nhóm 2: Quay clip về việc bảo vệ tài sản trường lớp của các bạn HS -> phần liên hệ thực tế. HS quan sát, phát hiện những hành vi phá hoại tài sản chung, sử dụng không đúng mục đích…từ đó nhận biết hành vi đúng, sai để bày tỏ thái độ.
Nhóm 3: Thuyết trình về hành động bảo vệ khung cảnh sư phạm của GV, HS trong trường -> phần liên hệ thực tế, giúp HS có ý thức bảo vệ trường, lớp…
Khi giao nhiệm vụ, GV hướng dẫn HS thảo luận tổ nhóm theo từng bước:
- Lập danh sách
- Đặt câu hỏi
- Kiểm tra kết quả
Không chỉ tìm ra kiến thức mà các nhóm còn phải đặt ra câu hỏi tình huống cho các nhóm khác trả lời và ngược lại các bạn nhóm khác bổ sung kiến thức để tạo phần tranh luận trong lớp giúp tiết học thêm sinh động để thầy cô nhận định, đánh giá. Ngoài ra, GV tổ chức cho các nhóm kiểm tra chéo lẫn nhau về việc ghi chép, làm bài tập theo yêu cầu của mình và cả các tài liệu sưu tầm được. Đây là cách tự học và tự học lẫn nhau rất tốt tạo thêm sự hứng thú cho HS.