PHIẾU ÔN TẬP NGỮ VĂN 9
(Từ ngày 23/03 đến 28/03)
Phần I: (4 điểm)
Dưới đây là những dòng tâm sự của nhân vật anh thanh niên trong văn bản “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long:
“Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:
- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa.”
Câu 1: Công việc mà anh thanh niên nhắc đến trong đoạn trích trên là gì? Vì sao nhân vật lại nói “Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa.”?
Câu 2: Cuộc sống của “anh” trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” gợi em liên tưởng đến nhân vật nào trong một văn bản tác phẩm(chỉ rõ tên tác giả) đã được học trong chương trình Ngữ văn 9 cũng từng một mình chiến thắng gian khổ, cô đơn.
Câu 3: Có những con người từ cuộc đời bước vào trang sách đã để lại cho ta biết bao sự ngạc nhiên và khâm phục bởi sức mạnh nội lực và tình yêu cuộc sống. Từ những hiểu biết của bản thân, hãy viết một đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về nghị lực sống của mỗi người.
Phần II: (6 điểm)
Là khúc giao mùa nhẹ nhàng thơ mộng, “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã góp một tiếng thơ đằm thắm về mùa thu quê hương bằng một cách rất riêng.
Câu 1: Em hãy cho biết hoàn cảnh ra đời bài thơ. Tại sao tác giả lại đặt tên nhan đề bài thơ là “Sang thu” mà không phải là “Thu sang”?
Câu 2: Hãy chép khổ thơ thứ hai của bài thơ và chỉ ra một biện pháp tu từ được thi nhân sử dụng trong khổ em vừa chép.
Câu 3: Có ý kiến cho rằng : Đến khổ thứ hai của bài thơ, với những cảm nhận tinh tế của thi nhân, bức tranh sang thu đã hiện ra rõ ràng hơn . Hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận Tổng – Phân – Hợp để làm sáng tỏ nhận xét trên. Trong đoạn có sử dụng một câu hỏi tu từ và một thành phần cảm thán – Gạch chân, chỉ rõ.