Kính thưa các thầy, cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Đất nước đã đi qua chiến tranh, rời xa những bom đạn đau thương, nhưng những gì oanh liệt, những kỷ niệm thân thương thời ấy vẫn khắc sâu trong lòng mỗi con người Việt Nam.
Để hưởng ứng ngày sách Việt nam 21/4/2020 và kỉ niệm 45 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), hôm nay thư viện trường THCS Cao Bá Quát xin giới thiệu với các thầy, cô giáo cùng toàn thể các em 3 cuốn sách viết về cuộc sống của những người chiến sĩ trong những năm chống Pháp, chống Mĩ đầy nguy hiểm và bản lĩnh, ý chí kiên cường, dũng cảm của những con người đã làm nên chiến thắng quyết định để đất nước được độc lập, tự do và hòa bình.
Cuốn đầu tiên tôi muốn giới thiệu với toàn thể các thầy, cô giáo và các em học sinh là cuốn sách mang tên: “Lính Trường Sơn kể chuyện Trường Sơn” của tác giả Phạm Thành Long.
Cuốn sách được tác giả viết về những người lính Trường Sơn, có ba nỗi nguy hiểm luôn rình rập: Bom đạn khốc liệt và sự tàn bạo của kẻ thù, sự khắc nghiệt của thời tiết và mối đe dọa của thú rừng. Ba nỗi hiểm nguy ấy cũng hàng ngày tôi luyện thêm bản lĩnh và ý chí kiên cường của người lính Trường Sơn, giúp họ viết nên bản anh hùng ca vĩ đại của tuyến đường huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu.
Cuốn sách là những câu chuyện chân thực của nhà báo Phạm Thành Long, trước đây là một người lính thuộc sư đoàn vận tải 471 trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2011.
Kính thưa quý thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Với con mắt của người trong cuộc, những mẩu chuyện được Phạm Thành Long kể lại đều là chuyện có thật, thậm chí tên người cũng có thật, là những gì mà một người lính trẻ chứng kiến, trải nghiệm giữa đại ngàn Trường Sơn những ngày chiến tranh khốc liệt. “Rừng và thú ở Trường Sơn là một phần cuộc sống của người chiến sĩ. Buồn vui, sợ hãi, đau thương, mất mát… đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên với tôi và bao đồng đội trên Trường Sơn thuở nào”- tác giả viết. Từ ký ức vẹn nguyên về những năm tháng hào hùng, Phạm Thành Long đã tái hiện bằng những mẩu chuyện thú vị với những cái tên ngồ ngộ: Chào thua con dúi, Chú voi bị bom, Lợn ăn trăn, Chú hổ Trường Sơn giữa Sài Gòn… Đúng như mong muốn của tác giả ở lời đầu sách, dù cách kể đôi khi thật thà đến bỗ bã, nhưng những câu chuyện Trường Sơn của anh vẫn đem đến cho người đọc một góc nhìn riêng, góc nhìn trong trẻo mà chân thực của những người lính trẻ qua những kỷ niệm chiến tranh mà các anh không bao giờ quên được.
Bằng lời kể chân tình, những minh họa gần gũi, gần một trăm trang sách của “Lính Trường Sơn kể chuyện Trường Sơn” đã giúp người đọc hình dung sống động không khí của thời đại lửa cháy, thời đại
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
(Trích Trường ca “Theo chân Bác” - Tố Hữu).
Và bây giờ chúng ta đến với cuốn sách thứ 2 mang tựa đề: ““Kể chuyện Điện Biên Phủ” của NXB Kim Đồng xuất bản năm 2014. Cuốn sách dày 52 trang in trên khổ giấy 16 x 16cm với những hình ảnh minh họa sinh động, cụ thể của chiến dịch.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kì tích vẻ vang. Nó đã đưa nước ta sánh ngang tầm thời đại và được đánh giá là một sự kiện mang tầm vóc thế giới, xứng đáng là một chiến dịch “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Năm tháng qua đi nhưng tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn ngày càng tỏa sáng đến tận những thế hệ mai sau. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo tiền đề đưa nước ta tiến đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp trên đất nước ta. Bằng thắng lợi to lớn đó, Việt Nam đã nêu tấm gương sáng trước toàn thế giới về lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất, sức sáng tạo trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm vì độc lập dân tộc, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không những khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ mà còn khẳng định vai trò, vị thế của nước ta trên toàn thế giới.
Cuốn sách thứ 3 có tên gọi: “Người lính Điện Biên kể chuyện” của tác giả Đỗ Ca Sơn, nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2014. Với 102 trang cuốn sách giới thiệu 21 câu chuyện nội dung kể về quãng đời của người lính chiến đấu trên đồi A1 như:
– Truyền đơn thách thức với tướng Giáp.
– Tiến công đồi A1.
– Đói và khát.
– Suýt bị kỉ luật trong ngày chiến thắng.
– Xin chớ vô tình với người hi sinh…
Các em học sinh yêu quý!
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc đọ sức lớn nhất, quyết liệt nhất toàn diện nhất giữa QĐND Việt Nam và quân viễn chinh Pháp. Ban đầu, khi quân địch ở Điện Biên Phủ mới chỉ có 9 tiểu đoàn, quân sự chưa vững chắc, bố phòng còn sơ hở. Bộ chỉ huy tiền phương có chủ trương đánh nhanh thắng nhanh, dốc toàn lực lượng trong 3 đêm 2 ngày tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đi đến kết thúc chiến dịch.
Nhưng chỉ ít ngày sau đó, tướng Navarre tăng cường thả thêm quân. Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Văng vẳng bên tai ông là lời dặn trước lúc lên đường của Hồ chủ tịch: “Tướng quân tại ngoại giao cho chú toàn quyền quyết định” và “Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”. Vậy quyết định của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp như thế nào để thực hiện được đúng lời căn dặn của Bác?
Tại Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam có 64 khẩu đại bác và pháo 105 li. Quân đội Pháp chỉ có 48 khẩu 105 li. Về số lượng pháo quân đội Pháp ít hơn quân đội Việt Nam, nhưng về lượng đạn pháo quân đội Pháp bắn suốt ngày đêm. Còn Việt Nam phải bắn cầm chừng, pháo binh phải có lệnh mới được bắn và mỗi lần bắn không được quá 5 viên. Đặc biệt, số đạn pháo phát đi và thu về phải thanh toán từng viên rõ ràng. Vậy bộ binh và pháo binh đã “móc ngoặc” với nhau để có được đạn pháo dội bão lửa xuống trận địa quân Pháp khiến chúng phải ngỡ ngàng. Đó là một sự “gian dối” đáng yêu.
Các em có biết trên thế giới có quốc gia duy nhất nào kỷ niệm chiến bại không? Đó chính là nước Pháp. Kỉ niệm 40 năm, 45 năm, 50 năm, 55 năm thất bại ở Điện Biên Phủ, người Pháp đều tổ chức trọng thể và gần đây nhất kỉ niệm 60 năm Điện Biên Phủ nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà làm phim của nước Pháp sang Việt Nam để phỏng vấn về Điện Biên Phủ. Vậy thì phải có một nền văn hoá như thế nào, một trình độ dân trí nào, nước Pháp mới kỉ niệm chiến bại?
Đọc 3 cuốn sách trên chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về Tổ quốc ta, Đảng ta, nhân dân ta và sự nghiệp cách mạng của quân và dân ta. Đất nước ta có được hoà bình như ngày hôm nay thì mỗi chúng ta phải ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự hi sinh của các thế hệ cha anh, xứng đáng với lòng mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.
Hi vọng những cuốn sách trên sẽ đến với các thầy, cô cùng toàn thể các em như một món quà đặc biệt nhân ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cuối cùng xin kính chúc quý thầy, cô mạnh khỏe, chúc các em học tập thật tốt.