Lý Tự Trọng một trong tám thiếu niên xuất sắc được đứng trong hàng ngũ những đoàn viên đầu tiên của Việt Nam. Ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh đã để lại cho các thế hệ thanh niên Việt Nam một di sản quý giá, đó chính là lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và nhiệt huyết tuổi trẻ. Câu nói của anh “con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể là con đường khác” đã trở thành bất hủ.
Nói đến người Đoàn viên đầu tiên - Lý Tự Trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành cho anh những lời lẽ đầy cảm xúc: “người Đoàn viên đầu tiên của Đoàn thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản oanh liệt đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng”
Tượng đài Lý Tự Trọng tại Thủ đô Hà Nội.
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng. Anh sinh ngày 20/10/1914 tại bản Mạy, tỉnh Na-khon Pha-nom thuộc miền đông bắc Xiêm (Thái Lan ngày nay), trong một gia đình người Việt gốc ở làng Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc ra đời một tổ chức dành riêng cho thanh niên nhằm kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Để thực hiện mục tiêu trên, năm 1926, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử thành viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến Thái Lan tìm kiếm những thiếu niên gốc Việt Nam có đủ điều kiện tại đây để thành lập một tổ chức riêng cho thanh niên và bồi dưỡng họ thành một đội ngũ “vừa hồng - vừa chuyên”. Trong số 8 người xuất sắc được chọn có Lý Tự Trọng, họ là lớp thanh niên cộng sản đầu tiên của Việt Nam, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp dìu dắt và bồi dưỡng. Tên Lý Tự Trọng cũng được xuất hiện từ đây.
Lý Tự Trọng (dấu +) cùng học viên Việt Nam trườngVõ bị Hoàng Phố (Quảng Châu), cán bộ Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Hoàng Hoa Cương, năm 1925. (ảnh tư liệu)
Sau quãng thời gian học tập và hoạt động ở Quảng Châu, năm 1929, anh trở về nước hoạt động. Ở trong nước lúc này, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân diễn ra sôi nổi, đặc biệt là sự liên tiếp ra đời của ba tổ chức cộng sản. Anh được phân công làm giao liên cho Xứ ủy Nam kỳ với Trung ương lúc bấy giờ cũng đóng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, giữ mối liên lạc các chi bộ trong Thành ủy Sài Gòn.
Ngày 9/2/1931, nhân kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa Yên Bái, một buổi mít tinh diễn thuyết được tổ chức ở trung tâm Sài Gòn, Lý Tự Trọng được phân công bảo vệ cán bộ diễn thuyết. Khi thực dân Pháp tiến hành khủng bố, để bảo vệ an toàn cho đồng chí cán bộ diễn thuyết, anh đã bắn chết tên mật thám Lơ-gơ-răng nổi tiếng tàn bạo và bị bắt. Chính quyền thực dân đã dùng nhiều biện pháp từ tra tấn đến dụ dỗ, mua chuộc, song tất cả đều không làm lung lay ý chí và lòng kiên định của người đoàn viên, người cộng sản trẻ tuổi. Khi biết sẽ không lấy được bất cứ thông tin gì từ anh, chính quyền thực dân đã quyết định xử tử hình anh vào ngày 20/11/1931, khi vừa mới tròn 17 tuổi.
Hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ song tinh thần và ý chí của Lý Tự Trọng chính là gương sáng cho rất nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Tiếp nối truyền thống đó, những thế hệ thanh niên sau này đã sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”, sẵn sàng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, với một tâm thế hùng dũng tràn đầy niềm tin hy vọng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Tháng 3 - tháng của thanh niên, là dịp để chúng ta nhớ đến những người con như Lý Tự Trọng cùng biết bao thanh niên Việt Nam đã ngã xuống cho độc lập tự do của dân tộc. Tên tuổi của anh sẽ mãi sáng, luôn là chỉ nam cho thế hệ thanh niên trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.