Tất cả vì con, nhiều phụ huynh rất chăm lo cho con ngay từ nhỏ. Với môn toán, các phụ huynh đều hy vọng con mình học giỏi và kèm con học. Nhưng khá nhiều trường hợp chính phụ huynh làm con sợ toán và dẫn đến học kém môn này! Một nghiên cứu từ Mỹ cho thấy điều đó.
Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Chicago (Mỹ) đã tiến hành khảo sát, xem khả năng giỏi toán ở con người chủ yếu do gen di truyền hay nhân tố môi trường quyết định.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích kỹ năng toán học của hơn 400 học sinh lớp 1 và lớp 2 vào đầu năm và cuối năm học. Học sinh được yêu cầu giải thích về những tình huống liên quan tới môn toán, ví dụ như khi làm bài kiểm tra hay được giáo viên gọi lên bảng làm bài...
Phụ huynh cũng được mời tham gia khảo sát về quan điểm của cha mẹ đối với môn toán, việc họ có thường dạy con cái làm bài tập toán ở nhà trong suốt năm học hay không ...
Kết quả của nghiên cứu trên cho thấy, cha mẹ không giỏi toán chưa hẳn con cái sẽ không đạt được điểm cao môn toán.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy học sinh có cha mẹ kém môn toán, hay giúp con cái học toán ở nhà và bắt ép con học khiến bọn trẻ cũng sinh ra chứng sợ môn toán. Trong khi đó, những học sinh có cha mẹ kém môn toán nhưng không giúp con học bài và làm bài tập toán ở nhà lại có kết quả học toán tốt hơn.
Điều này cho thấy kỹ năng học toán của con cái không phụ thuộc hoàn toàn vào gen di truyền, mà còn phụ thuộc vào áp lực do phụ huynh tạo nên khi con cái làm bài tập toán ở nhà.
Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Sian Beilock cho hay: “Chúng ta thường không nghĩ tới tầm quan trọng của quan điểm phụ huynh đối với thành tích học tập của con cái. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nếu cha mẹ suốt ngày nói “Tôi không thích môn toán”, “Môn toán khiến tôi căng thẳng” sẽ ảnh hưởng tới nhận thức của con cái về môn toán”.
Một nghiên cứu khác cũng lật lại vấn đề này cho thấy trí thông minh của con cái được thừa hưởng từ cha mẹ. Nhưng nếu như con cái gặp khó khăn với bất kỳ môn học nào (ví dụ môn toán) thì nguyên nhân là do những yếu tố môi trường tác động.
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Stephen Petrill giải thích trên tờ Medical Xpress rằng: “Rất nhiều học sinh mắc chứng sợ môn toán. Nhưng chứng sợ toán không phản ánh đúng năng lực thực sự của học sinh, mà là vấn đề về cảm tính, có thể cản trở khả năng tiến bộ của trẻ trong học tập”.
Nếu cha mẹ giúp con học toán thì cần lưu ý
1) Đọc kỹ chương trình con học: Nhiều phụ huynh không nắm vững chương trình học của con nên không biết kiến thức nào con đã học. Khi kèm con học lại hỏi cả những điều con chưa học nên làm trẻ lúng túng. Việc đọc kỹ chương trình còn giúp phụ huynh biết phương pháp giải toán phù hợp với thời điểm hiện tại của con, tránh hướng con giải toán bằng những phương pháp vượt quá nội dung kiến thức đã học của con và không đúng những gì mà thầy cô đã dạy con ở trường.
2) Hướng dẫn để con giải toán chứ không bắt học lời giải có sẵn: Quá trình hướng dẫn con giải toán là không đơn giản, đòi hỏi phải có kiến thức về phương pháp dạy toán. Nhiều khi phụ huynh hướng dẫn không đúng cách dẫn đến con không thể tìm ra lời giải nên càng tự ti vào khả năng của mình. Có phụ huynh vì muốn con đối phó với thầy cô nên đã rất sai lầm khi giải cho con rồi bắt con đọc hoặc giảng lời giải của mình cho con. Như vậy là cách giúp con nhồi nhét chứ không phải cách để học toán.
3) Sự kiên trì bị thiếu sẽ làm hỏng quá trình giúp con: Có những phụ huynh, thậm chí là giáo viên dạy toán không đủ kiên trì khi giúp con nên dẫn đến sự nôn nóng, thậm chí quát mắng con. Điều này tạo ra một môi trường học toán căng thẳng dẫn đến làm con mất khả năng suy nghĩ, thậm chí sẽ sợ hãi khi nghĩ đến bố mẹ chuẩn bị kèm toán cho mình.
4) Đừng ra thêm những bài toán khó cho con: Một số phụ huynh thấy con giải xong các bài toán của thầy cô giao cho đã ra thêm cho con những bài toán mới mà những bài này khó ngoài khả năng của con làm cho con từ chỗ tự tin dẫn đến mất tự tin vào chính mình. Phụ huynh cần lưu ý để ra thêm toán cho con đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tạo thành những bậc thang vừa sức với con. Như vậy để đi tới bài toán khó cần phải cho con đi qua những bài toán trung gian được nâng dần mức độ, phù hợp năng lực của con. Hạn chế làm việc này khi mình còn thiếu kinh nghiệm về dạy toán.
5) Kết hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn: Phụ huynh nên kết hợp với sự tư vấn về môn học, cách tiếp cận kiến thức cũng như mức độ tiếp nhận mỗi phần kiến thức của giáo viên bộ môn để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình học bài cùng con.
Những điều chia sẻ trên cũng lưu ý với cả các gia sư được phụ huynh mời kèm học sinh học ở nhà.
Hy vọng những điều bàn thêm ở trên giúp phụ huynh chuẩn bị cẩn thận hơn về tâm lý, kiến thức, phương pháp khi kèm con học toán ở nhà.