VN mọi người thường đã khá quen với cụm từ “TUỔI TEEN” rồi, danh từ tiếng anh này nhằm để miêu tả chung những cô bé, cậu bé có tầm tuổi từ 13 – 19. Vậy còn ” TUỔI TWEEN” ?
” TWEEN” là danh từ tiếng anh, dùng để miêu tả và gọi chung những bạn trẻ tầm từ 8 -13 tuổi, lứa tuổi chớm dậy thì, trước khi được gọi là “Teen”. Con gái tuổi “tween” thường trưởng thành nhanh hơn con trai. Đứng giữa ranh giới “thiên thần” và “tiểu yêu”, con gái tuổi “tween” có xu hướng xa lánh cha mẹ và muốn được người lớn đánh giá mình là người tự lập, được xem như một người trưởng thành.
Vì vậy cũng không ít những ông bố bà mẹ đang tỏ ra lo lắng và băn khoăn không biết làm thế nào để hoà hợp được với đứa con gái tiền tuổi teen của họ khi chúng bỗng dưng trở nên quá thất thường. Quả là rất sốc khi bạn thấy đứa con gái bé bỏng và ngọt ngào của mình trước kia giờ đây bắt đầu có những cơn thịnh nộ khó hiểu. Những bé gái ở độ tuổi Tween thường rất dễ thay đổi tâm trạng, thích làm quá mọi chuyện lên, tự cho mình là trung tâm, coi bạn bè là tất cả; chúng lầm lì, gắt gỏng, nói chuyện hỗn hào và tỏ ra mình chỉ đang chiếu cố với phụ huynh. Tất nhiên bọn trẻ có thể trở nên chững chạc, tỏ ra tràn đầy yêu thương và vui vẻ, nhưng trong trường hợp tệ nhất, ta nên cảm thông nhiều hơn cáu giận, vì kể từ khi biết bò đến khi bước vào tuổi teen của một đứa trẻ, đây chính là giai đoạn thử thách nhất.
Người ta còn gọi đây là độ tuổi “dở dở ương ương” – không còn là con nít nhưng cũng chưa lớn hẳn. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn gần gũi hơn với con gái tuổi tween nhà mình.
1. Sẵn sàng thay đổi.
Bạn không thể đối xử với con gái tuổi tiền dậy thì giống như lúc con bạn còn nhỏ được nữa. Hãy chuẩn bị sẵn sàng đón nhận sự thay đổi của con gái bạn. Bạn có thể gặp một cô bé cao lớn hơn, trách nhiệm hơn, khó gần hơn, thậm chí là ương bướng hơn.
Con gái bạn sẽ không còn là đứa trẻ ngây ngô cần được bảo bọc nữa. Điều này là tất yếu, dù sự thay đổi là tích cực hay tiêu cực. Vì vậy bạn cũng phải sẵn sàng thay đổi để “thích nghi” với con gái của mình, để thấu hiểu tâm lý của bé. Đây là bước cơ bản quan trọng để gần gũi với con gái.
2. Tập trung vào tình yêu thương chứ không phải kỷ luật.
Bạn sẽ chẳng nhận được sự tôn trọng từ bé nếu bé không cảm thấy có sự kết nối với bạn. Hãy đấu tranh để được ở gần con gái của mình, đừng để cô bé đẩy bạn ra xa. Cô bé vẫn rất cần bạn, chỉ là bé cố tình không muốn thừa nhận điều đó thôi. Hãy tìm mọi cơ hội để kết nối với bé. Trao cho bé những cái ôm chào buổi sáng mỗi ngày và ôm chào tạm biệt trước khi bé vào lớp. (Hãy làm điều này một cách hài hước và bé cũng sẽ vui vẻ đáp trả lại bạn.) Hãy mang theo thật nhiều niềm vui cùng một cái ôm khi bạn gặp lại bé vào cuối ngày. Có thể bé sẽ không “muốn” rúc vào lòng bạn ngủ nữa, nhưng điều này sẽ không ngăn việc bạn có thể nằm xuống và thủ thỉ hỏi về ngày hôm đó của bé, và vài phút tĩnh lặng ấy sẽ củng cố mối liên kết giữa hai người. Rất nhiều phụ huynh chọn thời điểm ngay trước giờ đi ngủ bởi đó là lúc con gái họ ít bị xao nhãng bởi những thứ khác và sẵn sàng để mở lòng nhất.
3. Đứa con tuổi tween của bạn muốn sự tự lập, đó là điều dễ hiểu.
Nếu bạn cứ khăng khăng đòi kiểm soát mọi lựa chọn của con, bạn đang gián tiếp gây ra sự nổi loạn ở bé, đôi khi còn tệ hơn. Nếu bạn có thể tìm ra cách phù hợp để trao cho con bạn sự độc lập, cô bé sẽ không còn phải tìm cách chống đối bạn để được tự do quyết định mình muốn gì nữa. Dĩ nhiên là cô bé sẽ mắc sai lầm. Nhưng đó là cách mà mỗi chúng ta nên người, trưởng thành hơn. Và dĩ nhiên cô bé vẫn chưa sẵn sàng để tự quyết định tất cả mọi thứ được. Bạn vẫn là bố mẹ của bé kia mà. Hãy tự quyết định xem bạn nên can thiệp bao nhiêu là đủ vào việc đưa ra quyết định của bé, có lẽ đây là phần khó nhất của quá trình nuôi dạy con cái này.
4. Dành cho con những khoảng thời gian chất lượng.
Đừng quá bận rộn với công việc mà bỏ lỡ khoảng thời gian ở bên con gái bạn khi cô bé đang ở tuổi tween. Ít nhất mỗi tuần 1 lần, bạn hãy tạo ra những khoảng thời gian để cùng con gái làm những công việc đặc biệt như mua sắm, nấu ăn, picnic, du lịch,…, và biến những dịp đó thành cơ hội để kết nối với bé nhiều nhất có thể.
5. Hòa mình vào thế giới của con.
Khi lắng nghe bé, hãy tự nhắc bản thân rằng những nỗi buồn của bé có thể sẽ chẳng là gì với bạn, nhưng với con bạn, chúng chẳng khác nào tận cùng của thế giới. Khi cơ thể thay đổi và phát triển, đối với một đứa trẻ mà nói, điều đó chẳng khác nào điều tồi tệ nhất từng xảy ra trong cuộc đời này, đặc biệt là khi bé xuất hiện kinh nguyệt và những cơn đau bụng kinh đầu tiên. Điều đó có nghĩa là, khi cô bé bắt đầu làm quá lên, bố mẹ phải trở nên thấu cảm. Không phải lúc nào những điều khiến bé cảm thấy tồi tệ đều tệ, nhưng có nhiều thứ sẽ tổn thương bé và bé sẽ muốn một cái hôn từ bạn để cảm thấy đỡ hơn, ngay cả khi chính bé cũng không rõ điều gì làm mình bực hay làm cách nào để diễn tả nỗi buồn bực đó thành lời.
6. Hãy hiểu rằng bé gái tuổi tween thường rất lo lắng về tuổi vị thành niên.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bé trai tuổi tween mong đợi đến tuổi vị thành niên để được khoẻ hơn, mạnh mẽ hơn, tự lập hơn và trở nên có uy tín hơn. Ngược lại, các bé gái tuổi tween thì lại sợ hãi tuổi vị thành niên của mình, sợ việc có kinh nguyệt hàng tháng, sợ việc mình trở nên dễ tổn thương hơn trước nam giới, và bị áp lực bởi việc phải trở nên quyến rũ hay hấp dẫn. Đa số các bé gái không biết diễn tả nỗi lo này thành lời, nhưng các bé cảm thấy chúng, ngay cả khi bé đòi được mặc đồ như dân bụi đời để trông mình “ngầu”. Con gái bạn có thể sẽ muốn trở thành một cô nàng “hot” để gây ấn tượng với bọn trẻ khác, nhưng sâu bên trong bé biết rằng bé còn lâu mới sẵn sàng đón nhận những sự chú ý mà nó mang lại.
7. Lắng nghe những câu chuyện của con.
Quy tắc quan trọng ở đây là lắng nghe, lắng nghe, và lắng nghe. Việc lắng nghe khiến con gái bạn cảm thấy thật sự được cha mẹ quan tâm. Nếu bạn đưa ra quá nhiều lời khuyên, con gái bạn sẽ cảm thấy dường như bạn không tin tưởng vào khả năng của bé. Thay vào đó, hãy đặt nhiều câu hỏi để con gái bạn chia sẻ với bạn những vấn đề bé gặp phải.
Biết đâu ngày nào đó cô con gái bé nhỏ sẽ nói vào tai mẹ rằng “Mẹ, có bạn trai kia gửi thư tình cho con”. Đừng giật mình, đừng nổi giận, đừng dạy đời, thay vào đó hãy hỏi “Vậy con tính làm thế nào?”. Giành cho con quyền chủ động đối phó với các vấn đề của con, mẹ chỉ ở bên và hỗ trợ.
8. Nuôi dưỡng đam mê của con bạn.
Bất cứ thứ gì con gái bạn quan tâm với sự chủ động và phấn khởi đều giúp khiến bé cảm thấy được bảo vệ, được trở nên tài giỏi, đó là nơi để bé tự thúc đẩy bản thân và học cách tự phục hồi, nơi bé được đắm chìm vào khi vận may có vẻ không mìm cười với mình. Bé có thích múa không? Hoặc viết? Hoặc vẽ? Hãy làm bất cứ điều gì để khuyến khích cô bé tham gia. Điều quan trọng là đó phải là việc bé thích làm chứ không phải việc bé bị bắt làm. Và đừng bắt bé biểu diễn hay tham gia các cuộc thi, hãy khuyến khích bé tham gia vì say mê chứ đừng vì vài màn trình diễn.
9. Nói chuyện về các mối quan hệ và về tình dục.
Con gái bạn sẽ cực kỳ muốn biết mọi thông tin về tình yêu và tình dục. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nói chuyện về những vấn đề này không hề khiến các bé mau chóng muốn tiếp cận với chúng sớm hơn mà ngược lại. Những bé không gần gũi với bố mẹ thường là những bé sẽ tìm tình yêu ở sai chốn. Bạn muốn con gái mình tự tin về cơ thể của bé để giúp bé không tìm đến những biện pháp chứng tỏ bản thân, thứ có thể khiến bé hối hận khi lớn lên? Cách tốt nhất để giúp là phải nói với bé về những gì có thể xảy ra, để bé có thể tự thoát khỏi những vở “kịch” quá sức chịu đựng của mình.
10. Hãy nhớ rằng trẻ em ở tuổi này luôn có những cảm xúc mãnh liệt và các bé cần bạn giúp.
Nếu bạn đã có thể giữ bình tĩnh khi lắng nghe lý do tại sao bé buồn bực, hãy tận dụng nó như một cơ hội để gần bé hơn. Bạn có thể đáp lại những gì bé nói bằng việc bày tỏ sự tức giận về việc bé đã không tôn trọng bạn như thế nào, nhưng điều sẽ khiến bé rời xa bạn. Khi không thể hiểu nổi những cảm xúc nhạy cảm bất thường của mình, các bé gái tuổi tween và tuổi teen thường phản ứng lại với những người mà bé cảm thấy an toàn nhất: bố mẹ. Nếu bố mẹ bị phân tâm bởi sự thiếu tôn trọng kia hay bày tỏ sự không vừa lòng, bố mẹ sẽ bỏ lỡ mất thông điệp thực sự. Nên thay vì thế bạn có thể trở nên thấu hiểu, cố gắng tìm kiếm điều ẩn sau sự thiếu tôn trọng ấy, và nhắc nhở bé về những đức tính tốt (“Bố mẹ biết con không phải luôn không ngoan như vậy”), bạn sẽ bước đầu giúp bé kiểm soát được cảm xúc của mình.
11. Kiềm chế cảm xúc trước sự ương bướng của con gái.
Chúng ta phải nhớ rằng mọi chuyện cũng giống như việc phải đắp mặt nạ dưỡng khí trước tiên. Chúng ta phải điều chỉnh cảm xúc của chính chúng ta, một việc không phải cứ trưởng thành rồi thì mới có thể làm được. Con trẻ sẽ trông đợi ta cư xử đúng đắn như những người lớn và trở thành tấm gương trong việc quản lý bản thân. Nếu chúng ta giận dữ bỏ đi, con gái chúng ta sẽ cảm thấy bị tổn thương, không được thấu hiểu và cô độc. Dần dần các bé sẽ hoặc tấn công hoặc dựng nên bức tường của sự oán giận và mất lòng tin. Mối quan hệ này sẽ xuất hiện sự rạn nứt, và nếu bạn không phản ứng kịp thời, vết nứt sẽ dần lớn hơn. Nhưng nếu ta có thể bình tĩnh lại, hít thở sâu, xin lỗi, tập trung hơn và cố gắng kết nối lại với bé, những vết nứt sẽ được thay thế bằng những cây cầu. Sự gián đoạn không tránh khỏi của cuộc sống thường ngày sẽ trở thành cơ hội để ta tự dạy mình những bài học quan trọng: Làm sao để xử lí cảm xúc của bé; làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ rạn nứt; làm thế nào để con cái tin tưởng khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Và hơn hết là chúng ta tự chấm dứt được những tương tác khó khăn bằng mối quan hệ bền chặt hơn.
Nuôi dạy con cái rất khó khăn và bận rộn, và công việc liên quan đến cảm xúc này sẽ khó hơn cả khi con bạn đến tuổi tween hay tuổi teen. Bạn có thể thấy thật không công bằng khi bạn phải làm mọi thứ để kết nối với đứa gon gái tuổi tween của bạn, nhưng đó chính là cách chúng ta nuôi dạy con. Con gái của chúng ta có thể trông giống một người phụ nữ trẻ, nhưng các bé còn phát triển nữa và sẽ còn sống rất cảm tính trong thời gian dài sắp tới. Giúp đỡ và ủng hộ con trong quá trình dài ấy vừa là công việc vừa là đặc quyền của bất cứ bố mẹ nào. Mọi mối quan hệ mà con gái bạn có sau này sẽ được dựa trên nguyên mẫu là những gì bạn đang gây dựng cùng con bạn ở thời điểm hiện tại.