“Sứ mệnh người thầy” là chuyên đề thứ 2 trường THCS Cao Bá Quát được tập huấn với mong muốn “tiếp lửa” đổi mới cho các thầy cô giáo, trao cho thầy cô các phương pháp dạy học tích cực, hướng đến giáo dục toàn diện học sinh, thích ứng với những đòi hỏi của đổi mới giáo dục.
Tham gia vào chuyên đề, các thầy cô giáo đã được lắng nghe những chia sẻ từ TS. Trần Khánh Ngọc (Nguyên giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội, sáng lập Chương trình Dạy học tích cực) trong việc xây dựng, thiết kế những giờ học tích cực, đổi mới, đến gần hơn với học sinh và phụ huynh.
Theo TS. Trần Khánh Ngọc, trong thời đại 4.0, kiến thức có ở khắp nơi, người giáo viên đã không còn là “kho kiến thức”, không phải là người truyền thụ kiến thức, độc quyền kiến thức đơn thuần nữa mà phải là người khơi dậy tình yêu học hỏi, niềm ham thích học hỏi và khơi lên trong học sinh những hạt giống tốt, những hạt giống về tình yêu thương, lòng nhân ái, niềm trắc ẩn, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Bên cạnh đó, TS. Khánh Ngọc còn cho rằng, cái quan trọng nhất mà người thầy khác với máy móc, với công nghệ đó là cảm xúc. Thầy cô là người trực tiếp có thể thấu hiểu được người học, có thể tác động được người học, chạm được vào người học. Người thầy đóng vai trò thay đổi cuộc đời người học chứ không phải chỉ là truyền cho người học một “vốn” kiến thức. Kiến thức ở đâu người học cũng có thể học được, nhất là trong bối cảnh 4.0. Sự xuất hiện của thầy cô sẽ làm học trò thay đổi, đang từ một học sinh chán đời, thù ghét thế giới, khi được thầy cô yêu thương, tưới tắm cho những hạt giống yêu thương trong lòng thì chắc chắn sẽ giúp học sinh lấy lại được sự tự tin, yêu đời, có được tương lai tốt đẹp.
“Sứ mệnh của người thầy” là giúp học sinh định hướng và thay đổi. Giáo dục bằng tình yêu thương đòi hỏi người thầy phải có đủ sự yêu thương trong lòng mình thì mới có thể “ôm” được học sinh mình vào lòng. Khi thầy cô chạm được đến học sinh, làm cho học sinh yêu thương mình thì chính là lúc thầy cô giáo thay đổi học sinh mình, từng ngày từng ngày một.
Thông qua chuyên đề toàn thể cán bộ, giáo viên trường THCS Cao Bá Quát đã được tiếp cận với cách thức tổ chức hoạt động theo hướng tích cực. Thông điệp của chuyên đề muốn hướng đến giáo dục sẽ đạt tới hiệu quả cao nhất khi người thầy tìm ra cho mình phương pháp giáo dục học sinh bằng chính tình yêu thương của mình. Sau chuyên đề, các thầy cô giáo sẽ có kinh nghiệm tổ chức tiết học hạnh phúc, ngày học hạnh phúc và tiến tới xây dựng trường học hạnh phúc. Ban giám hiệu Nhà trường sẽ tiếp tục lan toả hình thức tổ chức chuyên đề nhằm giúp cho đội ngũ nhà giáo được tiếp cận nhiều hơn với phương pháp dạy học mới, mang lại hiệu quả cao góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.