TẬP THỂ 7A1 TUYÊN TRUYỀN SÁCH
“ĐỘI THIẾU NIÊN DU KÍCH ĐÌNH BẢNG”
HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
Để khởi đầu cho một năm học mới đầy hi vọng, ngày 03/10/2022, cô Vũ Thị Lan Anh – Hiệu trưởng nhà trường đã phát động tuần lễ học tập suốt đời. Hưởng ứng phong trào đó, tập thể lớp 7A1 đã tích cực tham gia các hoạt động như làm thơ, vẽ tranh, làm video tuyên truyền sách. Thứ hai, ngày 10/10/2022, một ngày thật đặc biệt, tập thể lớp 7A1 đã tổ chức và thực hiện tiết mục tuyên truyền sách Đội thiếu niên du kích Đình Bảng trong giờ chào cờ trước toàn trường..
“Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” là truyện dài của nhà văn Xuân Sách, năm 2016 được Nhà xuất bản Kim đồng tái bản lần thứ 12, sau gần 50 năm tái bản cuốn sách vẫn luôn luôn được nhiều lớp bạn đọc đón nhận, vì ngoài nội dung có nhiều tình tiết hấp dẫn của những câu chuyện có thật, bìa trình bày đẹp và được bổ sung thêm nhiều tư liệu. Có thể nói cuốn sách này đã từng làm say mê nhiều thế hệ người đọc, đặc biệt là thiếu niên nhi đồng. Truyện của Xuân Sách được người đọc nhớ khi đã qua lứa tuổi nhỏ rất lâu. Bởi tác giả biết “nói chuyện” với các em, cách nói chân tình, hồn nhiên của một tấm lòng đến với những tấm lòng…”.
Cuốn sách là câu chuyện kể về làng Đình Bảng một địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam, vào tháng năm 1949 giặc Pháp chiếm đóng Đình Bảng với hơn 2.000 quân lính đủ sắc tộc cùng với súng ống, đạn dược đã khiến ngôi làng nhỏ bên dòng Tiêu Tương phút chốc đảo lộn… Mở đầu cuốn sách tác giả đưa bạn đọc đến với âm thanh vào mỗi buổi sáng năm ấy, thằng Tây móm lạch bạch leo lên tháp canh giữa làng Đình Bảng rúc lên một điệu kèn:
Te tò tí te…
Con bò kéo xe, con bò kéo xe…
Nhà văn Xuân Sách với lối viết chân thực và giàu cảm xúc dựa trên những con người có thật, sự việc có thật, đã mô tả một cách hấp dẫn, ly kỳ trong tác phẩm Đội du kích thiếu niên Đình Bảng. Những nhân vật có thật bằng xương bằng thịt mà ông đẫ gặp gỡ và được nghe kể, chính họ là chất xúc tác để nhà văn Xuân Sách làm Ký ức không phai cuốn truyện "Đội thiếu niên du kích Đình Bảng". Điều đặc biệt, những chiến sĩ tình báo trong cuốn sách này tuổi đời còn rất nhỏ, người lớn nhất cũng chỉ 15-16, người nhỏ thì ở tuổi lên 10. Nhưng chiến công mà họ lập nên thật diệu kỳ và sẽ được lưu truyền mãi. Trong đó có những gương mặt quả cảm kiên cường của các đội viên như Hoan, Phát, Húc, Lượt,Tâm, Dìn, Thạo… hiện lên thật gần gũi, cao đẹp.
Khép lại cuốn sách là tin vui chiến thắng của quân và dân ta từ Điện Biên Phủ ngày 7/5, buộc Pháp phải ký hiệp định đình chiến…5 năm dài làng Đình Bảng bị giặc chiếm đóng đã chấm dứt…dân làng ùa về phía đình, ở đó lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trên nóc đình…và mọc dần lên về tận Hà Nội…Tất cả dân làng đình Bảng nói chung và toàn đội du kích nói riêng, gương mặt họ đều ngời lên một niềm vui sướng, đón chào một tương lai tươi đẹp, một chân trời mới đang mở ra…
Buổi tuyên truyền sách kết thúc bằng những tràng pháo tay giòn giã của những bạn học sinh, những thầy cô ngồi trên khán đài. Đó không chỉ là biểu hiện cho sự tán thưởng mà còn cho thấy niềm ước vọng, tin tưởng của tất cả mọi người.