1. Nhận thức và nhiệm vụ của lãnh đạo nhà trường để sẵn sàng tiếp nhận ISO:
- Ban lãnh đạo nhà trường (Chi bộ, BGH, Công đoàn nhà trường) cần tích cực tìm hiểu để có được những kiến thức cơ bản về hệ thống quản lý chất lượng ISO. Từ đó có tâm thế chủ động tiếp nhận hệ thống và quyết tâm triển khai tại nhà trường.
- Đồng thời lãnh đạo nhà trường nghiêm túc chỉ đạo, tuyên truyền việc triển khai xây dựng thực hiện, duy trì áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và Hội đồng nhà trường.Thay đổi tư duy và thói quen làm việc cũ, thoát ly sự ỷ lại và tùy tiện về cung cách làm việc của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý và giáo viên trong giáo dục công lập. Mọi hoạt động dạy và học cũng như các hoạt động khác trong nhà trường phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình đã được xây dựng.
- BGH chịu trách nhiệm điều chỉnh, xây dựng các quy trình của hệ thống quản lý chất lượng sao cho phù hợp với thực tế quản lý và các hoạt động giáo dục ở trường phổ thông nói chung cũng như phù hợp với trường sở tại nói riêng. Chú ý một nguyên tắc khi điều chỉnh, xây dựng và áp dụng các quy trình của hệ thống là cần linh hoạt, thay đổi mọi yếu tố cho phù hợp: Từ các danh từ, thuật ngữ đến các hoạt động, thao tác trong quy trình mẫu đều cần được điều chỉnh sao cho ăn khớp với thực tế. Sẽ không thể thực hiện được hệ thống ISO tại nhà trường nếu như cứng nhắc giữ nguyên hay đòi hỏi tuân thủ tuyệt đối các quy trình mẫu như các tài liệu ISO cung cấp. Việc áp dụng ISO trong nhà trường mang màu sắc sinh động, mềm dẻo chứ không đòi hỏi tuân thủ các thông số kĩ thuật tỉ mẩn như trong các doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế. Có thể nói, bản chất ISO tại các nhà trường cơ bản là làm cho mọi hoạt động dạy và học cũng như tất cả các hoạt động khác trong trường trở nên quy củ, nền nếp, khoa học, nhịp nhàng, đúng nội quy- quy chế của ngành theo các quy trình đã được chuẩn hóa. Đảm bảo chất lượng dạy và học luôn được cải tiến, nâng cao.
2. Các nguyên tắc áp dụng hệ thống quản lý ISO tại nhà trường:
Khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, nhà trường cần tuân thủ một số nguyên tắc, bao gồm:
- Hướng vào học sinh, coi HS là nhân tố quan trọng của các quá trình hoạt động.
- Chú trọng sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, BGH trong mọi hoạt động của nhà trường.
- Huy động sự tham gia củatoàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường;
- Bám sát, tiếp cận theo quá trình thực hiện dạy- học tại trường;
- Thường xuyên cải tiến các quy trình trong hệ thống đảm bảo sự phù hợp thực tế các hoạt động giáo dục;
- Đưa ra quyết định dựa trên kết quả giáo dục đạt được và các minh chứng về các hoạt động giáo dục khác;
- Luôn kiểm soát, quản lý mối quan hệ giữa Ban lãnh đạo nhà trường với giáo viên, nhân viên, giữa nhà trường với địa phương, với phụ huynh học sinh…