Đến hẹn lại lên, trong 2 ngày 26-27/10/2021, giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 đã được Sở GD-ĐT Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức long trọng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới gần 300 điểm cầu các đơn vị trường học. Giải thưởng nhằm tôn vinh những nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học, có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Sau vòng sơ loại trên toàn Thành phố, Hội đồng xét duyệt đã chọn ra 40 nhà giáo xuất sắc nhất ở các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, vào vòng Chung khảo. Rất vinh dự cho phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm nói chung, trường THCS Cao Bá Quát nói riêng, cô giáo Vũ Thị Lan Anh- Bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường đã xuất sắc được lựa chọn vào Vòng chung khảo để chia sẻ những tâm huyết, sáng tạo của mình trong công tác giảng dạy và quản lý.
Kể từ khi vào nghề, tháng 9/1990 đến nay, cô giáo Lan Anh đã luôn tâm huyết với từng bài giảng, luôn không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ bản thân. Cô luôn giữ trong tim ngọn lửa yêu nghề, yêu trò. Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm qua, cô đã và đang làm tốt vai trò của một giáo viên, một tổng phụ trách đội, một bí thư đoàn, một cán bộ quản lý có trách nhiệm và tận tâm với công việc. Cô luôn tư vấn, chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy cho đồng nghiệp, luôn quan tâm đến bồi dưỡng chất lượng đội ngũ, chú trọng xây dựng tập thể đoàn kết. Chính vì vậy, dù ngôi trường THCS Cao Bá Quát mới thành lập được 4 năm, song nhà trường luôn được xếp top đầu của huyện Gia Lâm về mọi mặt với những thành tích rất đáng tự hào. Bản thân cô đã nhận được rất nhiều bằng khen của UBND huyện, thành phố, Bộ Giáo Dục, Thành đoàn Hà Nội , Hội chữ thập đỏ, Công đoàn… nhiều năm liên tiếp. Với sự chỉ đạo tận tâm của cô cùng sự nỗ lực của một tập thể đoàn kết, nhà trường đã có nhiều học sinh giỏi, giáo viên giỏi đạt giải nhất, nhì ,ba cấp thành phố; đáng chú ý là 3 năm liên tiếp, trường đều xếp thứ nhất về tỷ lệ học sinh thi vào THPT công lập; nhà trường liên tục được công nhận đạt “ Tập thể lao động xuất sắc” từ khi thành lập đến nay.
Để có được những thành tích đáng kể trên, cô đã luôn học hỏi, sáng tạo và mạnh dạn thay đổi. Với câu nói yêu thích “hiệu trưởng thay đổi, thầy cô thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, cô đã có nhiều đổi mới thành công trong chỉ đạo công tác chủ nhiệm qua những “Buổi họp phụ huynh hạnh phúc”, công tác giáo dục kĩ năng sống, cân bằng cảm xúc cho học sinh và việc lan tỏa văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh toàn trường.
Từ thực tế, những buổi họp PH truyền thống luôn mang lại cảm giác nặng nề cho PH và đôi khi là nỗi ám ảnh của các con học sinh sau các buổi họp, cô đã trăn trở: “Làm thể nào để tạo ra được một buổi họp PHHS hạnh phúc?”. Cô chỉ đạo và tổ chức tập huấn cho GVCN trong nhà trường đổi mới cách thức họp PHHS. Cô chú trọng ngay từ những khâu chuẩn bị như hình thức giấy mời trang trọng, kê bàn ghế thuận tiện cho việc trao đổi nhóm của PHHS. Về cách thức triển khai, thay vì việc GVCN thông báo kết quả học tập và rèn luyện, cô muốn chính các con học sinh sẽ tự làm video, slide thuyết trình để báo cáo tổng kết về các hoạt động trong học kì, trong năm học. Qua đó, PHHS sẽ thấy được hình ảnh tự tin của các con học sinh ngày một khôn lớn và trưởng thành. Hơn thế nữa, trong các buổi họp này, PHHS có cơ hội được trao đổi về phương pháp giáo dục con, định hướng con, chia sẻ cách xử trí các vấn đề về tâm, sinh lý ở lứa tuổi mới lớn. PHHS đã cảm thấy rất hào hứng và thích thú với những chủ đề này. Không chỉ dừng lại ở đó, buổi họp phụ huynh học sinh còn phá vỡ được những rào cản, sự mất kết nối giữa PH và HS. PH đã hiểu con hơn sự qua những trò chơi “ Hiểu và thương”, qua những lá thư đầy cảm xúc thay lời muốn nói. Chính những buổi học PHHS hạnh phúc này đã tạo dựng thương hiệu cho nhà trường.
Bên cạnh việc chú trọng về kiến thức văn hóa, cô luôn mong muốn trang bị đầy đủ những kĩ năng mềm, kĩ năng sống cũng như tạo ra những sân chơi đầy hứng khởi cho các con học sinh. Cô muốn các con “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Cô và nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái” để các con luôn biết hướng về cội nguồn và biết thấu hiểu, chia sẻ Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài huyện về chia sẻ và hướng dẫn cho các con các kĩ năng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, kỹ năng thoát hiểm, cách phòng vệ, phòng chống xâm hại. Cô đã chủ động mời các chuyên gia tâm lý về chia sẻ cho các con kiến thức về giới tính,về tâm lý lứa tuổi, tình bạn tình yêu tuổi học đường...
Một điểm đổi mới đáng chú ý ở đây là cô đã dành 1 phòng “Cân bằng cảm xúc” dành cho HS. Trước giờ vào lớp, các con tự check-in cảm xúc của mình. Khi các con có những cảm xúc quá buồn phiền, bực tức, các con có thể xuống phòng Cân bằng cảm xúc này để giải tỏa tâm lý bằng cách : vẽ tranh, chơi đàn, chơi cờ, đổ não ra giấy, và các thầy cô luôn sẵn sàng lắng nghe và tư vấn cho các con. Nhờ đó mà các con nhanh chóng giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực, sẵn sàng cho các tiết học trên lớp tiếp theo. Với những việc làm thiết thực đó, học sinh luôn cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, không còn rào cản, khoảng cách với các thầy cô giáo.
Một thành công nữa của cô đó là đã lan tỏa văn hóa đọc sách cho các giáo viên và học sinh trong trường. Cô cùng các thầy cô giáo trong trường đã tham gia các khóa học về hành trình kiến tạo văn hóa đọc để tập huấn các kĩ thuật đọc sách hiệu quả cho GV và HS. Để có nhiều đầu sách cho thầy cô, phụ huynh và học sinh tham khảo mọi lúc, mọi nơi, ngoài việc bổ sung đa dạng các đầu sách vào thư viện sách truyền thống hàng năm, nhà trường đã trang bị thêm thư viện điện tử với hàng nghìn cuốn sách, chuyện ở các lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó không gian đọc sách của học sinh cũng được mở rộng với thư viện mở ngoài trời, ở đó các con có thể tự do đọc những cuốn sách yêu thích, được lăn lê bò toài một cách thoải mái sau những giờ học trên lớp.
Để các con có cơ hội thể hiện tình yêu với sách, cô cùng nhà trường đã tổ chức các cuộc thi trưng bày sách, ngày hội sách “Việt Nam quê hương tôi” và đại sứ văn hóa đọc hàng năm. Kết quả là nhà trường đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình của các con, điển hình là các chi đội 6A5, 6A1, 7A2 và 8A2.
Không chỉ lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường, cô còn thành công trong việc lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng. Cô cùng hai cô giáo khác được Ban tổ chức Trí tuệ Việt Nam, cộng đồng sống tử tế mời đến để chia sẻ về xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường vào đầu tháng 10 vừa qua.
Với những tâm huyết và sáng tạo, đổi mới kể trên của cô, cô đã được hội đồng xét duyệt ghi nhận và đánh giá cao trong tính lan tỏa đến cộng đồng. Có thể nói, cô Vũ Thị Lan Anh không chỉ là một giáo viên tâm huyết với sự nghiệp giảng dạy và trồng người mà cô còn là một nhà giáo, nhà quản lý sáng tạo và đổi mới. Hi vọng rằng, những chia sẻ của cô sẽ được lan tỏa rộng rãi tới nhiều trường bạn.