Bác Hồ kính yêu của chúng ta, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhà tư tưởng giáo dục, nhà sư phạm thực tiễn vĩ đại, đồng thời là một tấm gương sáng ngời về tự học. Người đã từng tự học, vừa lao động để kiếm sống, biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ mà không qua một trường lớp đào tạo chính quy nào. Trong tư tưởng của Người về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người đã từng nói: "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân". Chính từ sự học đó mà Bác đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn gian khổ để có được ngày hôm nay.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục trở thành một hệ sinh thái mà mọi người có thể cùng học tập mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị được kết nối, mở ra cho mọi người nhiều cơ hội học tập nhưng cũng đặt ra cho chúng ta một thách thức to lớn. Trước những biến chuyển lớn đó, các giáo viên và học sinh cũng phải thay đổi để bắt nhịp với thời đại. Với tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp thì chuyển đổi số trở thành xu thế học tập mới trong thời đại 4.0, giúp con người mở rộng tầm nhìn, có kiến thức, kỹ năng giải quyết công việc hiệu quả.
Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch Covid” . Nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội. Học tập suốt đời, đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 sẽ tạo ra một xã hội mà ở đó mỗi cá nhân luôn tích cực chứ không thụ động. Hơn nữa, học tập suốt đời làm cho mọi người gắn kết, gần nhau hơn là nguồn vui, giúp mỗi người cảm thấy hoàn thiện bản thân mình. Do đó, chúng ta cần biết tận dụng triệt để lợi ích từ Internet để có thể đạt kết quả tốt nhất trong học tập và làm việc.
Dịch Covid - 19 bùng phát tại Việt Nam đã và đang gây ra nhiều tác động đến kinh tế - xã hội. Bên cạnh sự chuyển động để thích nghi và thành công bước đầu của các ngành y tế, công thương, tài chính ngân hàng thì những chỉ đạo kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập đã mang lại những kết quả rõ nét nhất trong công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo tiến độ và chất lượng dạy – học. Nếu như thời gian đầu, khi dịch Covid -19 mới xuất hiện tại Việt Nam, nhà trường cùng các thầy, cô giáo, học sinh chưa từng tham gia vào các tiết học trực tuyến nên còn bị động, lúng túng thì nay, việc chuyển hướng từ học trực tiếp trên lớp sang học trực tuyến tại nhà đã được thực hiện khẩn trương, nền nếp. Nhờ đó, toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên trước đại dịch.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng và nâng cao nhận thức của học sinh về vai trò của chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch Covid, nhà trường đã tận dụng triệt để các nền tảng công nghệ, đa dạng hoá các kênh và công cụ học tập suốt đời để đáp ứng nhu cầu của học sinh trước tình hình thực tế. Tổ chức các lớp, giới thiệu nội dung học tập, bài học phù hợp với từng nhóm đối tượng thông qua các phần mềm trực tuyến. Tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động, hướng dẫn kĩ năng tìm kiếm, khai thác sử dụng tài liệu trên mạng Internet an toàn, hiệu quả, xây dựng, cung cấp nguồn tài liệu, học liệu mở.
Công nghệ số đã mở ra cho các em một chân trời mới chân trời của tri thức vô tận. Các em có thể chủ động trong việc tìm hiểu kiến thức, giúp các em hiểu rõ, hiểu sâu các vấn đề thầy cô giảng trên lớp. Không những thế các em còn được tham khảo các vấn đề liên quan thuộc các lĩnh vực khác nhau giúp các em hiểu một cách toàn diện. Với sự sáng tạo các em đã biết ứng dụng công nghệ vào cuộc sống điển hình như cuộc thi khoa học kĩ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, cuộc thi Toán, tiếng Anh cũng được các em hứng ứng nhiệt tình và đạt kết quả cao trong các kì thi các cấp. Trong thời điểm hiện nay do dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, các em không thể trực tiếp đến trường mà chỉ có thể học và tiếp cận thông tin qua Internet. Các em có thể tham khảo một số website thông dụng và hữu ích để các em đọc sách trên mạng nhằm trau dồi kiến thức, kĩ năng trong học tập.
Đến với những trang mạng lành mạnh, các em sẽ thấy thế giới xung quanh chúng ta vô cùng phong phú, đa dạng. Các em sẽ học được những bài học bổ ích về cách giao tiếp ứng xử, mối quan hệ bạn bè lành mạnh, tình thầy trò thân thiện, mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Hơn nữa đọc sách trên mạng các em sẽ biết thêm nhiều kiến thức bổ ích mà bản thân ta chưa có cơ hội để tiếp xúc. Các em sẽ được nâng cao kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy, rèn luyện thêm về trí tuệ của bản thân để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội ngày nay. Việc đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người. Cho dù là đọc sách in (sách giấy) hay sách điện tử, thì mỗi người đều phải biết chọn lọc để tiếp thu, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhìn từ khía cạnh tích cực, văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Đồng thời, đọc sách còn góp phần định hướng đọc cho người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống.
Học tập trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên của Internet người học có nhiều cơ hội để tiếp cận thông tin, phát triển năng lực tự học nhưng phải biết chắt lọc, lựa chọn nhưng thông tin bổ ích, thiết thực, những thành tựu mới của khoa học công nghệ để vận dụng vào công việc và cuộc sống; biết loại bỏ nhưng thông tin không cần thiết, thông tin xấu đi ngựơc lại với xu thế phát triển của nhân loài. Mỗi người, nếu không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình. Chính điều đó đòi hỏi mỗi chúng ta cần phải học tập không ngừng, rèn luyện cho mình khả năng thích ứng. Học là việc phải làm suốt đời, học từ nhà trường, tự học qua tài liệu, sách vở, Internet, học qua bạn bè, đồng nghiệp, qua cuộc sống thực tế; kết hợp giữa học và hành để tự làm giàu vốn kiến thức cho mình.
Ngày nay trong thời đại 4.0 khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì mỗi người đều có những cách học riêng của mình để có thể kịp thích ứng với sự phát triển không ngừng của xã hội. Tương lai là ở trong tay chúng ta, nó sáng sủa hay mờ mịt là phụ thuộc vào việc học tập của mỗi con người. Chúng ta đừng để phí hoài những gì học được trên ghế nhà trường bởi sự học như con thuyền đi ngược nước, không tiến ắt phải lùi. Nếu mải chơi chúng ta sẽ để lỡ chuyến tàu đi đến tương lai chuyến tàu đó thật đặc biệt vì người lái tàu là ta, hành khách cũng là ta. Nó được chèo lái bởi chính đôi bàn tay của chúng ta, kiến thức trong trường của chúng ta là nền tảng để ta làm việc nhưng chưa đủ với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật nên chuyển đổi số trong việc thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người là một yêu cầu và ngành giáo dục đang thực hiện.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đại dịch covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các nơi trên thế giới trị thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một trong những dòng chảy chính của thời đại bất cứ quốc gia nào không muốn bị tụt hậu thì có nhất thiết phải nhanh chóng tiếp cận, bắt kịp với những thành tựu của khoa học, công nghệ để thúc đẩy phát triển của đất nước. Với ý nghĩa đó, tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 ở nước ta đã chọn chủ đề “Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nhằm khích lệ và nhắc nhở mọi người nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển số trong thời đại 4.0 và hãy phát kịp xu thế học tập của thời đại để kịp thích nghi trong thời điểm hiện tại.
Trường THCS Cao Bá Quát đã phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời đến toàn thể giáo viên học sinh trong trường với mục đích nâng cao nhận thức của nhân dân về chuyển đổi số, cơ hội học tập và xây dựng xã hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm về học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Việc học tập mang lại cho mọi người cuộc sống ý nghĩa hơn, sự hiểu biết không bao giờ là nhàm chán, khát khao tri thức của con người là vô hạn và giáo dục của nước ta được xem là quốc sách hàng đầu.
Do đó, thầy và trò trường THCS Cao Bá Quát sẽ tích cực hưởng ứng hoạt động này bằng những hành động cụ thể đó là: học ở bất cứ đâu, học trong mọi điều kiện, học để có nghề nghiệp và lao động ngày càng hiệu quả, học để làm cho chính mình và cộng đồng hạnh phúc, học góp phần phát triển địa phương đất nước và đóng góp cho nhân loại. Kính chúc các thầy giáo cô giáo và các em học sinh sẽ luôn cố gắng thi đua dạy tốt học tốt để hoạt động học tập suốt đời không chỉ diễn ra trong tuần lễ phát động này mà việc học tập sẽ trở thành hoạt động truyền niên của nhà trường.