BÀI GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH HAY CỦA LỚP 9A4: "TÔI TỰ HỌC"
Cuốn Tôi tự học của Thu Giang Nguyễn Duy Cần không nói về việc học kiến thức hàn lâm, học hành trong trường lớp, mà là những hướng dẫn sâu sắc và súc tích về nghệ thuật nhận thức và tư duy, để làm phong phú đời sống tinh thần, tránh được những thói quen thành kiến, phiến diện, hướng đến chân – thiện – mỹ.
Cuốn sách soi sáng cho người đọc bằng những bàn luận về những khái niệm thông thường như Thiên tài, Óc khoa học, việc Đọc sách, Óc nhân quả… kèm những dẫn chứng từ cả văn hóa Đông và Tây. Với giọng văn chia sẻ, khiêm nhường đúng như tinh thần cầu thị và cởi mở mà tác giả truyền tải trong cuốn sách, ‘Tôi tự học’ là kim chỉ nam cho những người muốn sáng suốt hơn trong cách nhìn đời, muốn tìm thấy chân lý giữa bộn bề thị phi.
Dưới đây là vắn tắt một số ý chính của quyển sách, được sắp xếp theo ý mình (chủ yếu nói về việc đọc sách), không phải theo bố cục của tác giả.
I. Một số yếu tố chính:
1- Cố gắng của bản thân: thầy dạy hay là thầy bắt học trò làm việc, sách hay là sách bắt độc giả suy nghĩ. Như vậy, bản thân cần cố gắng mới tự học được
2- Tìm hứng thú cho sự học: Lòng ham muốn mê say là động cơ thúc đẩy và nuôi dưỡng sự cố gắng
3- Biết tổ chức sự hiểu biết: phải “tiêu hoá” được những gì mình đã học, nhìn lại vấn đề quan trọng bằng những góc nhìn khác nhau, kiểm lại tư tưởng và thành kiến của mình với cặp mắt luôn mới mẻ
4- Biết phê bình: biết phê phán, lựa chọn với đầu óc sáng suốt, độc lập và tự do
5- Biết tuyển chọn: phê phán, quyết định và chọn lọc để học những gì hợp với mình và cần thiết cho nhu cầu hiện tại
II. Một số điều kiện thuận tiện cho sự tự học:
1- Thời gian: cần thời gian dài, không thể rút thời gian, học mau, học tắt
2- Sự tập trung: về mặt tinh thần, biết từ chối những xã giao xã hội không cần thiết, có đời sống đơn giản
3- Luôn nhìn đời với cặp mắt trẻ thơ: cái gì cũng mới lạ, làm mình ngạc nhiên, muốn tìm hiểu. Việc luôn luôn đặt câu hỏi về sự vật, hiện tượng là cần thiết.
III. Sách:
1- Đọc sách: chỉ đọc sách hay và biết cách đọc.
1.1. Sách hay: là những sách không dài lê thê, buồn ngủ và đọc khó hiểu. Nhờ người chuyên môn tư vấn, giới thiệu sách hay là một cách hay.
1.2. Cách đọc sách:
- Dành thời gian, đọc sách trong yên tĩnh.
- Chỉ đọc sách hay và cao hơn tầm hiểu biết của mình. Nên đọc sách gốc.
- Đọc sách phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Ít nhất là 2 lần, lần thứ nhất để hiểu về tổng quan và đại ý, lần thứ 2 là đọc kỹ từng chi tiết
1.3. Đọc sách gì:
- Tiểu thuyết tâm lý: chỉ đọc những tiểu thuyết có tính soi đường, cắt nghĩa đời sống con người trên con đường lập chí, không nên đọc tiểu thuyết diễm tình, lãng mạn.
- Đọc sử: giúp ta những tài liệu đã qua, để hiểu hiện tại và dự bị cho tương lai. Cần tìm đọc những sách sử được viết một cách khách quan.
- Đọc sách thiên văn, địa lý: để nhận thấy vị trí của con người trong vũ trụ, biết rõ xã hội mình đang sống, dân tộc mình và dân tộc khác, mở rộng nhãn quan con người.
- Đọc sách văn học kinh điển của mỗi dân tộc: để hiểu biết tâm hồn của mỗi dân tộc
IV. Điều kiện chính
- Tinh thần khoa học: Tạo cho bản thân sự ham chứng minh và lý luận.
- Tinh thần triết học: tìm hiểu ý nghĩa của mọi sự vật trên đời.
- Biết cảm xúc: ngọn lửa của say mê, lòng hăng hái. Để khơi gợi cảm xúc cần sống cho kẻ khác, quan tâm đến văn nghệ (thơ, nhạc, hoạ…) và biết sống giữa thiên nhiên.
Đọc sách và biết đọc sách rất cần, nhưng việc đi, quan sát, suy nghĩ và phản biện những sự vật, hiện tượng hàng ngày càng cần hơn.