Kính thưa các thầy giáo, cô giáo và các bạn học sinh thân mến!
Hôm nay, chi đội 9A2 xin trân trọng giới thiệu đến các thầy cô giáo và các bạn cuốn sách “TRÁI TIM QUẢ ĐẤT” của nhà văn Sơn Tùng do nhà xuất bản Thông tấn phát hành vào năm 1999, nội dung được cô đọng trong 344 trang, khổ sách 13 x 19cm. Với lời văn chân thành, giản dị, lòng thành kính đối với Bác Hồ và tinh thần tôn trọng sự thật, việc thật, người thật, nhà văn Sơn Tùng đã rất thành công trong việc khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa hình ảnh của Bác đi vào lòng người. Tuy số trang không nhiều, sách không lớn, đọc xong trang đầu thì muốn đọc trang kế tiếp và cứ như thế cho đến hết sách.
Trong cuốn sách “Trái tim quả đất” nhân vật trung tâm là Chủ tịch Hồ Chí Minh với tâm hồn tỏa khắp quả đất của thế kỷ 20. Hình tượng ấy đã được tái hiện trong chiến dịch quân sự ở Biên giới cuối năm 1950, nhân vật đồng hành với Bác Hồ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lớp lớp anh bộ đội Cụ Hồ đã tiến bước trên con đường muôn dặm vì hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, được thể hiện trong tác phẩm khi Người tham gia chiến dịch Biên giới, đó là hình ảnh một con người phong phanh trong bộ quần áo nâu giản dị, dáng cao gầy, thế mà luôn có mặt ở khắp mọi nơi trong chiến dịch Cao – Bắc – Lạng. Bác Hồ có nghị lực phi thường và đầu óc vô cùng nhạy bén, sáng tạo qua sự chỉ giáo phương châm hành động. Dù chỉ trải qua 2 tháng đi chiến dịch, nhưng ta cảm nhận được như Người đã trải qua những gian nan, vất vả như cả một cuộc trường kỳ kháng chiến thu hẹp lại, mà ở đó, ngoài sự sáng suốt của Bác Hồ về tài điều binh khiển tướng còn có cả tình thương bao la, vô bờ bến đối với các chiến sĩ. Trong chiến dịch Bác nhớ chiến sĩ hành quân ra trận trong giá lạnh:
"Đêm khuya móc tựa mưa thu trút
Sương sớm dày như mây biển dăng
Áo rét gửi mau cho chiến sĩ
Trời loe nắng ấm báo Xuân sang”
Có vị lãnh tụ nào chăm sóc, giáo dục binh sĩ như Bác đối với quân đội ta! Bác là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang. Bác sáng lập quân đội, chăm chút từ lúc chỉ có mấy chục đội viên, Bác đặt tên cho quân đội, dìu dắt qua từng thời kỳ, từ lúc còn trong trứng nước, tới khi trưởng thành, thành đạo quân lớn mạnh. Thật xúc động khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác “Quân ta đã bắt sống sĩ quan Pháp, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đã thực hiện trọn vẹn lời Bác: Chiến dịch này chỉ cho đánh thắng, chúng ta đã toàn thắng!”
Cuốn sách “Trái tim quả đất” viết về một chiến dịch nhưng đã ghi tả nhiều đường nét độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng luyện “phép dùng binh” và “đạo làm người” cho các cán bộ của mình bằng những tri thức uyên bác của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam và Đông phương.
Ai cũng biết rằng, giản dị là một đặc trưng phong cách của Bác Hồ, trong cuộc sống Bác luôn giữ thuần túy phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Người thích ở nhà sàn, thích đi bộ, tắm sông, hút thuốc lá. Người khéo dùng tục ngữ, ca dao và những lời giản dị dễ đi sâu vào lòng người.
“Măng chua nấu cá ngạnh nguồn
Đến đây ta phải bán buồn mua vui”
Bất kỳ ở đâu, hễ có Bác xuất hiện là lập tức không khí ở đó trở nên nhẹ nhàng, ấm cúng và đặc biệt rất chân tình.
Một nét nổi bật trong Trái tim quả đất là tinh thần bao dung, hòa nhập của Bác Hồ đối với các tôn giáo và lòng yêu thương con người mênh mông sâu xa không biên giới, bất kể họ là ai, xuất thân địa vị nào. Khi Bác Hồ đến thăm các anh em bị thương trong chiến dịch Cao – Bắc – Lạng, thấy anh lính hàng binh người Xênêngan không có giày, Bác cởi đôi giày vải và đôi bít tất len dài đến đầu gối của mình tặng cho anh lính hàng binh.
Bác Hồ được xem là tượng trưng cao đẹp nhất, là kết tinh truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam và nổi bật lên trên tất cả là hình tượng vị “nguyên soái có tầm vóc bậc danh nhân văn hóa”. Trong tác phẩm, viên tướng một sao của Pháp đã nhận định: “Một nguyên thủ quốc gia mà ăn mặc giản dị, hòa nhập với đời thường, với dân thường. Một quân đội mà được vị nguyên thủ, được người dân chăm sóc, nuôi dưỡng như mẹ đối với con, thì sức mạnh nào thắng nổi họ”.
Trong lúc tiến hành chiến tranh chống Pháp, vị anh hùng dân tộc giữa mặt trận Cao – Bắc – Lạng vẫn thể hiện một hoài bão văn hóa lớn nhất của Người là : “ Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Học tập văn hóa là một vấn đề rất rộng lớn và sâu sắc đã được Bác Hồ quan tâm và khuyến khích. Vì theo Bác để xây dựng một nền văn hóa mới phải thanh toán nạn mù chữ. Bác giải thích: “ Bọn thống trị muốn dân mình mãi trong vòng ngu dốt để dễ bề cai trị, dễ áp bức bóc lột. Một dân tộc yếu là một dân tộc có đa số người mù chữ. Không có chữ thì không thể mở mang sự hiểu biết. Cho nên mỗi chúng ta phải học chữ, có chữ mới có sự hiểu biết được”. Bác luôn luôn nhắc nhở mọi người không ngừng phấn đấu vươn lên những tầm cao mới của trí tuệ, của văn hóa, văn minh. Xin kính mời quý thầy cô giáo và các bạn hãy tìm đọc nhé