Bàn luận về “Nhà nước kiến tạo phát triển”
*Quan điểm của giới chính trị:
“Nhà nước kiến tạo” là thuật ngữ được các chính khách, nhà nghiên cứu chính trị ở nước ta đề cập nhiều trên một số sách báo trong thời gian gần đây.
TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội trong một bài viết ấn tượng đăng trên Tạp chí “Tia sáng” ra ngày 25/10/2018 với nhan đề “Nội hàm nhà nước kiến tạo phát triển (Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là sự lựa chọn phù hợp cho Việt Nam)”, dựa vào ý kiến của Chalmers Johnson và Adrian Leftwith, ông nêu ra các đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển. Đó là Một bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả; Bộ máy hành chính được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả; Nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường; Có Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp như một thiết chế mạnh điều phối chính sách phát triển công nghiệp; Nhà nước có tính độc lập, tự chủ cao trước các nhóm lợi ích và luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết…
*Quan điểm của giới kinh tế:
Ngày nay giới kinh tế thường nhấn mạnh một số đặc trưng sau của nhà nước kiến tạo. Đó là nhà nước bằng các thiết chế làm cho kinh tế tăng trưởng (chỉ số GDP tăng lên) song đó là sự tăng trưởng: không mất việc làm; không mất tiếng nói; không mất lương tâm; không mất gốc rễ; không mất tương lai.
*Quan điểm của giới văn hóa:
Nhà nước kiến tạo phải có những cộng đồng được phát triển hài hòa trên 3 khía cạnh: Có dân trí/sống tử tế hẳn hoi, có quan trí/sống liêm chính, có doanh trí/sống sáng tạo, chống được lười biếng, tham nhũng, phù hoa, xa xỉ.
Quan điểm về “Dạy học Kiến tạo – Nhà trường Kiến tạo – Nền giáo dục Kiến tạo”
*Quan điểm về “Dạy học kiến tạo”:
Thuật ngữ “kiến tạo” mới được đề cập trong chính trị, song trong giáo dục lý thuyết dạy học kiến tạo được đề cập từ những năm 1960 của thế kỷ trước.
Giới sư phạm thường nhắc tới lời huấn đức minh triết của Galileo Galilei: “Người ta không thể dạy một người nào đó, mà chỉ có thể giúp đỡ để người đó tự mình khám phá”.
Tư tưởng nền tảng cơ bản của thuyết kiến tạo là đặt vai trò của chủ thể nhận thức lên vị trí hàng đầu của quá trình nhận thức. Theo thuyết kiến tạo, mỗi người học là một quá trình kiến tạo tích cực, tự phản ánh thế giới theo kinh nghiệm của riêng mình. Những gì người học lĩnh hội, phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức và kinh nghiệm đã có và vào tình huống cụ thể.
Những nhà khai minh cho thuyết kiến tạo là Jeans Piaget, Maria Montessori, Lew S.Wygotzky… Họ cho rằng: “Mỗi người học là một quá trình kiến tạo tích cực tự phản ánh thế giới theo kinh nghiệm riêng của mình. Những gì người học lĩnh hội phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức và kinh nghiệm đã có và vào tình huống cụ thể”
*Quan niệm về “Nhà trường kiến tạo”:
Để có “Dạy học kiến tạo” thì phải hình thành được môi trường chứa nó là “Nhà trường kiến tạo”. Nhà trường này phải từ bỏ được “Mô hình 2- 4 - 8” chuyển thành nhà trường “Mô hình 2-5-10”.
Ảnh minh họa
“Mô hình 2-4-8” được đặc trưng bằng 2 bìa sách giáo khoa, 4 bức tường khép kín, 8 giờ làm việc quan liêu.
“Mô hình 2-5-10” được đặc trưng trên 3 nét sau đây: “Hai”- lực lượng chủ đạo, thày/trò. Thày có nhiệm vụ thực hiện cố vấn, trò có nhiệm vụ khám phá sáng tạo.
“Năm” - người học được thụ hưởng 5 hoàn cảnh: “Du nhi tri (Học mà chơi, chơi mà học); Lễ nhi tri (Học để biết tôn trọng đạo lý, pháp lý, công lý); Tư nhi tri (Học rèn luyện tư duy); Hành nhi tri (Học kết hợp với hành); Khốn nhi tri (Học qua thử thách).
“Mười” – thày rèn luyện cho người học phát triển 10 loại tư duy: Tư duy lô gich, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy ngôn ngữ, tư duy Angôrit, tư duy khoa học chứng nghiệm, tư duy công nghệ kỹ thuật, tư duy kinh tế, tư duy chính trị, tư duy quản lý.
*Quan điểm về nền giáo dục kiến tạo:
Cuộc đổi mới giáo dục theo tinh thần NQ TW 29 khóa XI đang được tiến hành ở nước ta có mục đích sâu xa là xây dựng được nền giáo dục kiến tạo.
Trước đây thường có luận điểm: “Dạy học lấy người học làm trung tâm”. Tuy nhiên nó chỉ như một lời kêu gọi. Trên thực tế tại các nhà trường vẫn là lối sư phạm quyền uy – ban ơn – áp đặt, thày ra lệnh – trò chấp hành. Có những khẩu hiệu: “Thày thiết kế - Trò thi công”, “Thày dẫn dắt – Trò lĩnh hội”. Song đó chỉ mới là nguyện vọng sư phạm.
Ngày nay các nhà trường đang cố gắng thực hiện hoạt động “Dạy học trải nghiệm” như một quyết định mang tính pháp lý.
“Hoạt động trải nghiệm” đang từng bước thay thế cho môn trước đây được gọi là “Hoạt động ngoài giờ lên lớp” không chỉ cho từng môn học mà còn thành một hoạt động tổng hợp. Tại một số nhà trường đã dạy môn STEM. Đây là sự tích hợp cả “Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ - Toán”.
Với cách dạy có các môn tích hợp người học đang được trang bị 4 phạm trù “C” sau đây: C1 – Critical thinking (Tư duy phản biện); C2 – Collaboration (Năng lực hợp tác); C3 – Communication (Năng lực giao tiếp); C4 – Creative (Năng lực sáng tạo).
Nhà nước kiến tạo phát triển (nhân tố a) phải được đồng hành với nền giáo dục kiến tạo (nhân tố b)
Giáo dục luôn luôn là nền tảng của cả chính trị - kinh tế - văn hóa.
Hai nhân tố a và b phải được gắn bó với nhau như điều kiện cần và đủ trong mục tiêu xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Vì vậy, chỉ có thể xây dựng “Nhà nước kiến tạo” khi có “Nhà trường kiến tạo” và “Nền giáo dục kiến tạo”. Ngược lại muốn xây dựng được “Nền giáo dục kiến tạo” trong đó có “Nhà trường kiến tạo” phải có môi trường “Nhà nước Kiến tạo”.
Ngày nay giáo dục là nhân tố tạo nên mọi sự tiến bộ cho cộng đồng, song nó cũng là nhân tố tạo nên mọi sự suy thoái đổ vỡ nếu nó có những biểu hiện tha hóa trong dạy học, trong tổ chức nhà trường.
Trên một số sách báo thường dẫn lời dạy hiền minh sau của Nelson Mandela (Nhà chính trị nổi tiếng thời hiện đại - Giải Nobel hòa bình 1993), ông từng có phát biểu: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới… Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.
Nền quốc học đương đại từng có nhiều thành tựu ấn tượng, tuy nhiên mối lo còn đó xét trên tính tổng thể của quan hệ kinh tế - giáo dục. Ở một số cộng đồng còn nhiều ngổn ngang dở dang trên cả 2 mục tiêu kinh tế và giáo dục. Tại một số nơi chưa thực hiện được: “Trường ra trường, lớp ra lớp, thày ra thày, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học.”
Một số nhà kinh tế chưa ý thức một cách toàn diện triết lý “Giáo dục là quốc sách hàng đầu.”
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ những năm cuối của thế kỷ trước đã bày tỏ sự trăn trở: “Nói hàng đầu có nghĩa là hàng thứ nhất và còn có nghĩa là đi trước một bước. Hiện nay ở nước ta nhân dân đòi hỏi một cách thiết tha, một cách khẩn trương, một cách thiết thực, cả hai: giáo dục phải xếp hàng thứ nhất và đi trước một bước chứ nhất định không để nó ở hàng bét và lẹt đẹt theo sau”.
Tiếc rằng một bộ phận người có trách nhiệm chung và trách nhiệm với giáo dục lại chưa ý thức đầy đủ điều trên.
Tại một số địa phương của nước ta đang có những diễn đàn, hội thảo rất tưng bừng về xây dựng Trường học hạnh phúc. Thiết nghĩ chỉ có thể xây dựng được Trường học hạnh phúc nếu ở đó có cộng đồng hạnh phúc ươm mầm được các giờ học hạnh phúc, các giờ học mang tính kiến tạo.
Chính những mầm này sẽ tạo nên “Nền giáo dục kiến tạo” vì từ đó đất nước sẽ có “Nhà nước kiến tạo phát triển”./.
Tác giả: PGS.TS Đặng Quốc BảoNguồn tin: Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số tháng 1-2/2020