Điểm đặc biệt trong lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở làng Chử Xá, xã Văn Đức khác với các nơi hiện thờ Đức thánh là ngoài các phần lễ nghi như: lễ rước kiệu, rước nước, múa sinh tiền… thì nghi lễ múa lễ chữ với bốn chữ Hán được chọn để múa dâng thánh là “Thiên - Hạ - Thái - Bình” được thực hiện bởi 22 thiếu niên tuổi 10 - 15, được tuyển chọn kỹ lưỡng trong thôn. Hai người đứng đầu phải mặc giả gái múa điệu “con đĩ đánh bồng”. Ngoài 22 thiếu niên thực hiện bài múa lễ chữ còn có một người chỉ huy được gọi là ký chỉ phường trống (người gõ trống chỉ huy cho đội múa). Những diễn viên múa xếp chữ chỉ cần nghe tiếng trống hiệu để biết động tác múa là gì. Đây là nghi lễ được quý khách thập phương mong chờ nhất lễ hội làng Chử Xá.
Nghi lễ múa lễ chữ “Thiên hạ thái bình” tại lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Phần lễ có các nghi lễ bảo tồn nguồn gốc truyền thống lễ hội xưa để lại như lễ rước kiệu, rước nước, múa sinh tiền, rước văn, rước cỗ từ đình về Lăng Chử Cù Vân (nơi thờ thân sinh đức thánh Chử Đồng Tử) và từ Lăng về đình thể hiện lòng hiếu nghĩa của con đối với cha. Lễ hội làng Chử Xá cũng là nơi duy nhất được diễn ra ở cả hai nơi là Đình Chử Xá (thờ đức thánh Chử Đồng Tử) và Lăng Chử Cù Vân (nơi thờ thân sinh Đức thánh).
Lễ rước văn, rước cỗ từ Đình Chử Xá về Lăng Chử Cù Vân.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung mang giá trị văn hoá sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về trước. Hiện nay, UBND huyện Gia Lâm đang đề nghị Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, huyện Gia Lâm là Di tích văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia./.
Minh Nguyễn