Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội
Trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, Hà Nội hiện còn lưu giữ hàng loạt các công trình kiến trúc cổ độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Điểm đến đầu tiên mà mọi du khách không thể bỏ qua khi đặt chân đến Thủ đô chính là tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Từ bên ngoài nhìn vào, toàn bộ khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bao quanh bởi một khung tường xây bằng những viên gạch vồ cỡ lớn - loại vật liệu kiến trúc phổ biến thời Hậu Lê, tạo nên một không gian cổ kính, trang nghiêm, đầy hoài niệm. Không chỉ là biểu tượng trường tồn của tinh hoa văn hóa và học thức của Việt Nam mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn in đậm nét kiến trúc của cổ xưa như một nhân chứng sống cho thời kỳ phát triển của dân tộc.
Nằm giữa lòng Hà nội, chùa Một Cột còn được biết đến với tên gọi chùa Mật, Liên Hoa Đài hay Diên Hựu Tự, được xây dựng vào năm 1049 để tái hiện lại một giấc mơ kì lạ của Vua Lý Thái Tông. Chùa tọa lạc vững chãi trên một trụ đá nằm giữa hồ, có kết cấu hình vuông, mái cong lợp ngói, bốn đầu đao được đắp hình đầu rồng. Nhìn từ xa, chùa Một Cột tựa như một đóa hoa sen khổng lồ vươn thẳng lên từ mặt nước… Được mệnh danh là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”, từ lâu, chùa Một Cột là điểm đến không thể thiếu trong sổ tay du lịch của mỗi du khách khi đến Hà Nội.
Chùa Một Cột
Bên cạnh chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc cũng là một danh thắng mang đậm âm hưởng Phật giáo. Chùa Trấn Quốc được coi là ngôi chùa lâu đời nhất đất Thăng Long - Hà Nội với lịch sử trên 1.500 năm.Ngay từ cửa vào, chùa Trấn Quốc đã gây ấn tượng bởi không gian xanh mát rợp bóng cây cùng tiếng chuông chùa, tiếng kinh cầu như đưa du khách vào cõi thiền tịnh.Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa giữa sự uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã tĩnh lặng của hồ nước. Có lẽ bởi lý do này mà chùa Trấn Quốc được ca ngợi là một trong những công trình tôn giáo đẹp nhất thế giới.
Sẽ là thiếu sót khi du khách đặt chân tới Hà Nội mà không đến ngắm cảnh Hồ Gươm (hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm). Hồ Gươm đẹp như một lẵng hoa tinh khôi giữa lòng thành phố. Xung quanh hồ là những bóng cây cổ thụ nghiêng mình soi bóng xuống dòng nước trong xanh, thơ mộng. Giữa lòng hồ Gươm, tháp Rùa cổ kính hiện ra trên một hòn đảo nhỏ, trầm tĩnh như một bức tranh thủy mặc. Quần thể hồ Gươm có rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như: Đền Ngọc Sơn, tháp Bút, cầu Thê Húc, chùa Báo Ân… Đến với Hồ Gươm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp chan hòa giữa thiên nhiên và con người, được thư thái tản bộ, cảm nhận sự thanh bình, yên ả trong không gian nên thơ, trữ tình.
Vẻ đẹp thơ mộng của Hồ Gươm
Có một địa chỉ tại Hà Nội mà dù là người dân Việt Nam hay du khách quốc tế đều muốn một lần tới thăm, đó chính là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng được khởi công năm 1973 tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình - nơi Bác Hồ đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi viếng Lăng Bác, du khách có thể tham quan những di tích như nhà sàn, ao cá Bác Hồ, nơi làm việc của Bác khi xưa... để hiểu thêm về con người và lối sống giản dị, chan hòa với thiên nhiên của Người.
Về với vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, du khách không chỉ được tìm hiểu những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc, khám phá những công trình kiến trúc cổ độc đáo mà còn được thưởng thức những món ăn tinh tế mang đậm phong cách Hà thành như phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây,chả cá Lã Vọng, cốm làng Vòng… Không chỉ là trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, Hà Nội còn mang một vẻ đẹp rất riêng, vừa hiện đại, phát triển nhưng vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ kính như thuở xưa. Phố cổ Hà Nội, Hồ Tây, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát lớn Hà Nội... cũng là những điểm đến hấp dẫn hàng triệu du khách khi đặt chân đến Thủ đô. Mỗi điểm dừng chân là một hành trình chan chứa bao xúc cảm khiến người lữ khách vấn vương như không muốn quay về.
Huyền Trang