Hà Nội nghìn năm văn hiến
Năm 1010, Hà Nội được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long với lòng mong muốn kinh thành ngày càng phồn thịnh như Rồng bay lên.
Gần mười thế kỷ qua đã minh chứng quyết định ấy là sáng suốt. Thăng Long xưa và Hà Nội nay luôn luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới.Năm 1831 vua Minh Mạng triều Nguyễn đặt lại tên cho Thăng Long là Hà Nội có nghĩa là: thành phố nằm trong vòng bao quanh của một con sông giữa đồng bằng Bắc Bộ trù phú. Nơi đây còn ghi biết bao dấu tích văn hiến của mảnh đất từng là kinh đô trong suốt ba thời kỳ phong kiến thịnh trị Lý, Trần, Lê và ngày nay là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khởi nguồn hình thành của Thăng Long được quyết định bởi yếu tố môi trường tự nhiên, thể hiện trong “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn.
Với tầm nhìn chiến lược, vị vua trẻ khi lên ngôi, đã cảm thấy kinh đô Hoa Lư trong vùng núi non hiểm trở tuy dễ phòng thủ nhưng không thể là kinh đô của một nước cường thịnh cả về quân sự lẫn kinh tế. Người đã tìm được thành Đại La tức Hà Nội ngày nay, có thể hội tụ những yêu cầu ấy. Trong “Chiếu dời đô”, hình ảnh của một thành phố giàu đẹp hiện lên vô cùng sinh động: “Thành Đại La ở giữa bờ cõi đất nước, có thế rồng cuộn, hổ ngồi, bốn phía đông, tây, nam, bắc tiện hình thế núi, sông, sau, trước đất rộng, bằng phẳng, cao ráo, sáng sủa, dân cư không phải khổ vì ngập lụt, muôn vật phồn thịnh. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là nơi then chốt của bốn phương họp lại và cũng là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời…”.
Khi thuyền nhà vua đến Đại La, Người nhìn thấy một con rồng bay lên trong đám mây, cho là điềm lành, bèn đặt tên là Thăng Long. Câu chuyện lịch sử pha lẫn huyền thoại này cho thấy thành Thăng Long được xây dựng ở một vị trí theo quan niệm phong thuỷ là lý tưởng cho phát triển đô thành vững mạnh, giàu có.
Sau gần 1000 năm, Hà Nội ngày nay và Thăng Long xưa khác nhau nhiều về địa lý, tự nhiên. Chỉ nói về phạm vi, thành Thăng Long xưa nằm giữa sông Nhĩ Hà và Tô Lịch; Hà Nội bây giờ bao gồm cả phần đất rộng lớn ở bên ngoài hai con sông. Trung tâm Thăng Long và trung tâm Hà Nội không trùng nhau. Nhưng những điểm ưu việt của điều kiện địa lý và tự nhiên của Thăng Long vẫn tạo ra những thế mạnh cho Hà Nội mà hiếm đâu sánh được.
Thứ nhất, thế đất bằng phẳng, cao ráo, nằm trên đồng bằng mầu mỡ, khí hậu lại ấm áp. Hà Nội là vùng sinh thái tuyệt vời cho con người định cư, phát triển.
Thứ hai, vị thế trung tâm của Hà Nội, lại nằm bên con sông lớn khiến cho giao thông với các địa phương khác dễ dàng, thuận tiện. Từ xưa, Hà Nội đã nổi tiếng là một trung tâm thương mại lớn: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Thêm nữa, với cảnh sắc tươi đẹp và con người thanh lịch, Hà Nội là đề tài cho thơ ca, nhạc, hoạ, tạo nên sức thu hút du khách bốn phương.
Và còn rất nhiều thế mạnh nữa do tự nhiên đem lại mà Hà Nội đã và sẽ khai thác để xứng đáng là “Nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời” như Lý Công Uẩn đã tiên đoán.