Thầy cô thay đổi, học sinh thay đổi, đó chính là những yếu tố mang đến một lớp học hạnh phúc. Nhưng thay đổi là một hành trình gian nan, cần sự nỗ lực và bền bỉ. Không chỉ có 8 thầy cô đã nỗ lực thay đổi sau khi tham gia chương trình Thầy cô chúng ta đã thay đổi, mà rất nhiều thầy cô, những người làm giáo dục trên cả nước đã đón xem, quan tâm và đang dũng cảm vững bước trên hành trình thay đổi, rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và học sinh.
Cùng với chương trình tổng kết, nhìn lại hành trình 3 năm Thầy cô chúng ta đã thay đổi: Thay đổi vì một trường học hạnh phúc lên sóng trong tháng 6 vừa rồi trên kênh VTV7, hãy cùng VTV7 điểm lại hành trình thay đổi tiêu biểu và đầy ấn tượng ở các ngôi trường tại ba tỉnh thành Bến Tre, Quảng Trị, Hải Phòng.
Lan tỏa khát khao, động lực, quyết tâm thay đổi để hạnh phúc đến các ngôi trường tại tỉnh Bến Tre
Ngay khi mới phát sóng chương trình Thầy cô chúng ta đã thay đổi, vào tháng 1/2018, theo công văn đề nghị của lãnh đạo tỉnh và sở giáo dục Bến Tre, đại diện VTV7 đã đến và trao tận tay 9 tập của chương trình cho lãnh đạo tỉnh và sở Giáo dục - Đào tạo. Toàn bộ thông tin đã được lãnh đạo chuyển đến các trường tiểu học và trung học trên toàn địa bàn tỉnh.
Những buổi xem chương trình liên tiếp được thực hiện tại các trường. Chương trình đã thỏa mãn niềm mong đợi và khát khao thay đổi của nhiều thầy cô. Dường như các thầy cô đều tìm thấy bóng dáng mình trong tiết học của 8 thầy cô giáo. Tất cả đều đi từ sự đồng cảm, tự nhìn nhận lại chính mình để nhận ra và thay đổi. “Thay đổi” đã trở thành mục tiêu đầu tiên của nhiều giáo viên sau khi xem chương trình: trở nên cởi mở hơn, bớt khắt khe, không còn tạo khoảng cách giữa giáo viên với học sinh, lắng nghe các em nhiều hơn.
Những lớp học với kỷ luật quân sự từng được ví như đi ở tù biến thành những lớp hạnh phúc bằng sự lắng nghe thấu hiểu. Và món quà các thầy cô nhận lại chính là sự hợp tác, niềm vui, hứng thú học tập của các em học sinh.
Tại những ngôi trường ở Quảng Trị: Dự án “Lớp học hạnh phúc” lấy cảm hứng từ chương trình
Thầy Lê Chí Thông - hiệu trưởng trưởng THPT Đakrông, Quảng Trị sau khi theo dõi loạt chương trình đã chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như các thầy cô trong nhà trường luôn trăn trở trong việc tìm kiếm những mô hình hoạt động hướng đến một ngôi trường an toàn. Tình cờ tôi xem được chương trình Thầy cô chúng ta đã thay đổi và tôi nghĩ đây là một chương trình có tác động rất lớn đến sự thay đổi của các giáo viên trong nhà trường. Tôi đã giới thiệu các tập phim của chương trình này cho toàn thể đội ngũ giáo viên cảm nhận và sau đó có hành động cụ thể".
Và sau chương trình Thầy cô chúng ta đã thay đổi, một “phiên bản” Lớp học hạnh phúc đã được lên kế hoạch để triển khai thực hiện.
Cô Hồ Thị Hồng Nhung - giáo viên trường THPT Đakrông, Quảng Trị sau khi đã và đang thực hiện kế hoạch xây dựng một lớp học hạnh phúc cho biết: "Từ năm ngoái chúng tôi đã được tập huấn và thực hành tại lớp nên chúng tôi luôn luôn có một tâm thế vui vẻ, luôn chào hỏi và cảm ơn học sinh. Giờ dạy luôn có sự quan tâm, ân cần yêu thương, để học sinh cảm thấy được đây thực sự giống như một gia đình. Song song với dạy học văn hóa, nhiều hoạt động ngoại khóa, tạo ra nhiều trò chơi có thể liên kết các bạn học sinh và giáo viên với nhau cũng đã được tích cực triển khai. Ngôi trường hạnh phúc từ đó sẽ được xây dựng từ những điều nhỏ nhất".
Những ngôi trường tại TP Hải Phòng: Thấu hiểu và thay đổi để hạnh phúc, để nhận lại những điều tốt đẹp hơn
Làn sóng "Thay đổi để trở nên hạnh phúc hơn" thực sự đã đến với nhiều ngôi trường trên khắp cả nước. Thông qua chương trình, cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga - giáo viên Ngữ văn và chủ nhiệm lớp 10C10, trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) - đã nhận ra rằng nghề giáo luôn cần sự thay đổi để thân thiện và gần gũi hơn với học sinh. Nếu người giáo viên muốn mở cửa lòng của học sinh thì bản thân người đó phải rất chân thành. Và không chỉ sẵn sằng, cô còn mong mỏi thay đổi bản thân để trò cũng nhận được những điều tốt đẹp.