Cao Bá Quát và tiểu sử của Cao Bá Quát. Hầu hết chúng ta đều biết đến nhân vật lịch sử Cao Bá Quát và những đóng góp to lớn của ông cho đất nước cũng như trong thi ca. Ông là một người nổi tiếng văn võ song toàn và tính tình phóng khoáng ngay thẳng.
Cao Bá Quát và tiểu sử của Cao Bá Quát
Cao Bá Quát (1809? – 1855), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Ông là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong văn học Việt Nam.
Cao Bá Quát, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông nội Cao Bá Quát tên là Cao Huy Thiềm (1761 – 1821) sau đổi là Cao Danh Thự, một danh y nổi tiếng trong vùng. Thân sinh của Cao Bá Quát là Cao Huy Sâm (1784 – 1850) sau đổi là Cao Huy Tham cũng là một thầy thuốc giỏi. Cao Bá Quát có người em song sinh là Cao Bá Đạt.
Cao Bá Quát và tiểu sử của Cao Bá Quát
Ngay từ nhỏ đã sống trong cảnh nghèo khó nhưng Cao Bá Quát nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm Tân Tỵ (1821), khi đó ông mới 13 tuổi thi khảo hạch ở trường thi tỉnh Bắc Ninh nhưng thi Hương (lần đầu) không đỗ. Đến năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội nhưng đến khi duyệt quyển thì bị bộ Lễ kiếm cớ xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ Cử nhân. Sau đó trong chín năm, ba năm một lần vào kinh đô Huế dự thi Hội, Cao Bá Quát lần nào cũng hỏng.
Năm 1841, ông mới được làm quan tỉnh Bắc Ninh và được tiến cử lên triều đình bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên vào Tháng 8 (âm lịch) năm đó. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ rồi lấy son hoà muội đèn chữa giúp 24 quyển. Việc này bị phát giác, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên. Suốt thời gian dài bị giam cầm, ông thường bị nhục hình tra tấn rồi bị kết vào tội chết. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội “trảm quyết” xuống tội “giảm giam hậu”, được giam lại đợi lệnh.
Tượng đài Cao Bá Quát
Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, khoảng cuối năm Quý Mão (1843), được triều đình tạm tha nhưng Cao Bá Quát bị phát phốt đi Đà Nẵng, chờ ngày đi “dương trình hiệu lực”. Tháng 7 năm Giáp Thìn (1844), đoàn công cán trên thuyền Phấn Bằng về đến Việt Nam. Sau đó, Cao Bá Quát được phục chức ở bộ Lễ nhưng chẳng bao lâu thì bị thải về sống với vợ con ở Thăng Long.
Đến năm 1847, Cao Bá Quát được lệnh triệu vào Huế làm ở Viện Hàn Lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. Thời gian này, ông kết thân với một số thi nhân nổi tiếng như Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Nguyễn Phúc Miên Thẩm, Nguyễn Phúc Miên Trinh…và được mời tham gia Mạc Vân Thi xã do hai vị hoàng thân này sáng lập.
Năm Canh Tuất (1850) do không được lòng một số quan lớn tại triều, Cao Bá Quát bị đầy đi làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai. Đến cuối năm đó, đời vua Tự Đức, lấy cớ về chịu tang cha và sau đó xin ở lại nuôi mẹ già, Cao Bá Quát đã thôi chức Giáo thụ ở phủ Quốc Oai.
Giữa năm 1954, gặp lúc vùng Sơn Tây bị hạn hán nặng, nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người dân cũng trở nên cực khổ hơn. Cao Bá Quát đã vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào đứng dậy khởi nghĩa ở Mỹ Lương (Sơn Tây).
Đang trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, do có người tố giác nên kế hoạch bị bại lộ. Trước tình thế cấp bách, Cao Bá Quát buộc phải phát lệnh tấn công vào cuối năm 1854.
Buổi đầu ông cùng các thổ mục ở Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân đem lực lượng đánh phá phủ Ứng Hoà, huyện Thanh Oai, huyện thành Tam Dương, phủ Quốc Oai, Yên Sơn…Tuy giành được một số thắng lợi nhưng sau khi quan quân triều đình tập trung phản công thì quân khởi nghĩa liên tiếp bị thất bại.
Tháng Chạp năm Giáp Dần, sau khi bổ sung lực lượng, Cao Bá Quát đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn lần thứ hai. Phó lãnh binh Sơn Tây Lê Thuận đem quân nghênh chiến. Cuộc đối đầu đang hồi quyết liệt tại vùng Yên Sơn, theo sử nhà Nguyễn thì Cao Bá Quát bị suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Thủ lĩnh Nguyễn Kim Thanh và Nguyễn Văn Thực cũng lần lượt sa vào tay đối phương rồi bị chém chết. Ngoài ra, hơn hai trăm nghĩa quân cũng bị giết chết và bị bắt.
Vua Tự Đức sau khi nghe tin đại thắng đã ban thưởng và cho đem thủ cấp cuat nghịch Quát bêu và rao khắp các tỉnh Bắc Kỳ rồi giã nhỏ quăng xuống song. Còn sự thật về cái chết của Cao Bá Quát đến nay vẫn còn là một vấn đề chưa được làm sáng tỏ.
Sự nghiệp văn chương của Cao Bá Quát
Cao Bá Quát với tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và khí phách được thể hiện qua các bài thơ như Tài mai (Trồng mai), Quá Dục Thuý Sơn (Qua núi Dục Thuý), Thanh Trì phiếm châu nam hạ (Từ Thanh Trì buông thuyền xuôi nam)…
Sau giấc mộng khoa cử tan rã, đến năm 32 tuổi ông nhậm chức Hành tẩu Bộ Lễ. Nhìn cảnh thối nát đồng thời bị tra tấn, ông càng uất ức và phẫn nộ trước cảnh nhà Nguyễn, điều này được ghi lại trong Trường giang thiên (Một thiên vịnh cái gong dài), Đằng tiên ca (Bài ca cái roi song), Độc dạ cảm hoài (Ban đêm một mình cảm nghĩ)…
Cao Bá Quát và tiểu sử của Cao Bá Quát. Hình ảnh 1 tác phẩm của Cao Bá Quát
“Ta đã không nỡ nghe mãi bài thơ Hoàng Điểu nói lên cảnh ly tán của nhân dân do chính sự hà khắc thì lẽ nào chỉ chịu gửi gắm mãi tâm sự vào khúc ngâm của Gia Cát Lượng khi chưa ra giúp đời” (Trích bản dịch bài Ngẫu nhiên nằm mơ đến thăm ông Tuần phủ…). Đây chính là tiếng lòng của Cao Bá Quát khi phải chứng kiến cảnh người dân vì túng thiếu đói rét phải đi ăn xin hay bị bắt phu bắt lính…khiến ông day dứt, nhói lòng.
Quyết tâm đứng lên đánh đổ nhà Nguyễn khi ông bị đuổi về Giáo thụ ở Quốc Oai được thể hiện qua các bài thơ như Đối vũ (Nhìn mưa), trích Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lỵ Thường Tín kiêm trí Lê Huy vĩnh lão khê (Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín, đồng thời gửi cho ông bạn già là Lê Huy Vĩnh…).
Những giai thoại của Cao Bá Quát
Vẫn còn tồn tại nhiều giai thoại liên quan đến nhân cách và tài thơ của Cao Bá Quát đến ngày nay như Bịa thơ tài hơn vua, Chữa câu đối của vua, Cá nuốt người – người trói người, Trên dưới đều chó…Nhưng theo GS. Vũ Khiêu thì đa phần chúng đều thiếu căn cứ và chưa được xác minh. Nên ông cho rằng để hiểu Cao Bá Quát cần đánh giá đúng tư tưởng cùng hành động của ông trên cơ sở phân tích nguồn gốc xã hội, diễn biến trong cuộc đời và thơ văn của ông.
Ở một đoạn khác, giáo sư viết: “Khác với một số giai thoại có ý nói Cao Bá Quát là một người kiêu căng, ngỗ ngược; và qua một số bài thơ cùng bài hát nói được gán cho ông, có người còn muốn coi ông là kẻ thích hưởng lạc, chè rượu, trai gái…Trái lại, qua cuộc đời và thơ văn ông, chỉ thấy ông là một người biết giữ gìn phẩm hạnh, đối xử đúng mực với cha mẹ, an hem, vợ con, hàng xóm và biết yêu quý đất nước, quê hương”.
Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Ông luôn gửi gắm tâm hồn phóng khoáng, trí tuệ sáng suốt với những màu sắc mới lạ từ cái nhìn truyền thống vào trong thơ văn. Với những tình cảm thiết tha, lòng tự hào dân tộc, yêu dân như con mà thơ ông luôn có sự phong phú trong nội dung.
Cuộc đời ông vẫn là một bài học quý khi cần thiết ông biết ném cây bút để nắm lấy Long tuyền về nội dung tư tưởng, sự dũng cảm và cả sự sáng suốt.