Sinh thời Bác Hồ rất coi trọng, biểu dương người tốt, việc tốt. Từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, thời kỳ ấy Bác có yêu cầu báo Đảng và của các đoàn thể mở ra mục: Người mới, việc mới, đi đôi với phong trào thi đua ở các cấp, các ngành.
Sau khi trao đổi với các nhà báo, Bác nói: Bây giờ nên gọi là “người tốt việc tốt”. Các chú vẫn thường nói: nhân dân ta rất anh hùng, ra ngõ gặp anh hùng. Điều đó rất đúng. Có thể nói trong mỗi nhà đều có anh hùng, như thế ra ngõ mới gặp anh hùng chứ! Đối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Đảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì được khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra lại một chút cho đúng sự thật là Bác có thể thưởng huy hiệu.
Phương pháp làm việc của Bác Hồ rất khoa học, ghi chép người tốt, việc tốt rất cụ thể, rõ ràng. Bác nói:Các chú sẽ xem bản kê này, Bác đã ghi rõ mỗi ngành, mỗi giới, mỗi địa phương, già, trẻ, gái, trai, miền ngược, miền xuôi, Việt kiều mới về nước... có bao nhiều người được khen thưởng. Nơi nào có ít người được khen là do khuyết điểm của cấp lãnh đạo ở đó. Một số cán bộ ta hình như mải làm công tác hành chính, sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hàng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt không kịp thời nêu gương, ai làm xấu không kịp thời giúp đỡ sửa chữa. Có nơi khi nhận được huy hiệu của Bác gửi vể đã biết tổ chức trao tặng hẳn hoi và làm cho mọi người, trong tập thể người đó, noi gương và làm theo. Nhưng có nơi lại làm theo lối hành chính, chuyển cho người được khen như chuyển một cái công văn. Đó là những cán bộ không biết làm việc, hoặc có cái nhìn không đúng. Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường. Hình như các chú cũng chưa coi trọng những việc nhỏ như thế.
Tầm nhìn xa thấy rộng về người tốt, việc tốt mà Bác Hồ rất quan tâm để biểu dương kịp thời. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Bác nói: Có cháu gái tên là Xuân ở Quảng Bình đã chiến đấu dũng cảm, góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Các chú có thấy các cháu nhặt được của rơi, nói với mẹ là đi tìm chú công an để trả lại của bắt được. Các cháu bé lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó sẩy chân ngã xuống ao, nếu chạy về nhà gọi người lớn thì bạn nó chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoài cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn: “Bám vào đây! Bám vào đây!”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà đã biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang.
Bộ đội ta không những biết đánh giặc giỏi mà còn biết đỡ đẻ cho dân nữa. Có chú bộ đội đi đường thấy người đàn bà sắp đẻ, thật là khó xử, vì chú ấy chưa học đỡ đẻ bao giờ. Nhưng chú bộ đội vẫn tìm mọi cách giúp đỡ, và tuy tàu xe rất khó khăn, vẫn đưa được cả hai mẹ con về tới gia đình. Như thế mới là bộ đội của nhân dân.
Các cụ già Việt Nam cũng giỏi lắm, còn sức còn phục vụ. Các cụ cùng con cháu đánh giặc giữ nước, xung phong chăm sóc sức khỏe thương, bệnh binh, đỡ đầu lớp mẫu giáo, trong nom vườn trẻ, gương mẫu trồng cây gây rừng. Có những cụ ông, cụ bà chuyên nhận những con trâu ghẻ, trâu gầy của hợp tác xã thành những con trâu béo khỏe có thể kéo cày, kéo gỗ được.
- Nếu Bác ngồi kể lại những việc làm như thế thì kể mãi không hết được. Bác chỉ muốn nhắc các chú một điều: chớ bỏ qua những việc mà các chú tưởng là tầm thường. Hai cô con gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè đã rủ nhau đi lấy đất lấp lại cho đồng bào khỏi vấp ngã. Một người nông dân đi giữa đường trời mưa thấy bao gạo của Nhà nước không có gì che phủ, đã cởi tấm ni lông của mình ra đậy gạo cho Nhà nước. Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình, muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng.
Tư tưởng văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh rất coi trọng việc học tập lẫn nhau người tốt, việc tốt. Bác Hồ trao đổi với nhà báo, nhà xuất bản rất ân tình, Bác nói: Xin hỏi các chú điều này: Con gái có cần phải học con trai, học anh em, chồng con mình không? Con trai có cần phải học con gái không? Trẻ em có cần phải học người già không? Bộ đội có cần phải học nhân dân không? Anh hùng chiến sĩ có cần phải học những người bình thường không? Tiền tuyến có cần phải học hậu phương không? Cán bộ đảng viên có cần phải học quần chúng nhân dân không? Cấp trên có cần phải học cấp dưới không?
Như vậy, là các chú cũng đồng ý với Bác: Một người phải biết học nhiều người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau, lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn. Đó cũng là một cách thực hành đường lối quần chúng trong công tác giáo dục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới đã để lại cho dân tộc ta, cho Đảng ta nhiều bài học vô cùng quý giá để hoạt động cách mạng Việt Nam. Một trong những bài học vô cùng quý giá, đó là bài học nêu gương tốt, việc tốt và học tập những tấm gương người tốt trong quần chúng nhân dân.