Động lực để thành viên trong nhà trường phấn đấu
Bộ trưởng chia sẻ, theo các nhà nghiên cứu, cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, một trường học hạnh phúc có 21 tiêu chí. Nhưng theo tôi có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Làm tốt 3 tiêu chí này, mỗi người chúng ta sẽ thấy hạnh phúc và hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc. Đây là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
Trao đổi về các tiêu chí nêu trên, Bộ trưởng dẫn giải, về tiêu chí yêu thương, nội hàm của tiêu chí này:
Thứ nhất là sự quan tâm. Thầy, cô quan tâm đến đồng nghiệp, quan tâm đến học trò và HS quan tâm đến nhau. Nếu thờ ơ, vô cảm thì chúng ta không hạnh phúc được.
Thứ hai là chia sẻ. Mỗi người có thuận lợi, khó khăn riêng. Do đó sự chia sẻ cho đi, nhận lại sẽ tạo ra một sự gần gũi và không có khoảng cách.
Thứ ba là sự tin tưởng lẫn nhau. Thầy, cô tin tưởng đồng nghiệp, tin tưởng HS và ngược lại. Hoài nghi, đố kỵ sẽ không hạnh phúc được. Chúng ta có niềm tìn thì sẽ có sức mạnh và chấp cánh ước mơ.
Thứ tư là sự hỗ trợ. Hỗ trợ về tinh thần bằng sự chia sẻ và hỗ trợ về vật chất bằng sự giúp đỡ. Qua hỗ trợ tình cảm sẽ nảy nở, ích kỷ cá nhân là kẻ thù của hạnh phúc.
Thứ năm là sự bao dung. Không ai có thể hoàn hảo, không ai tránh khỏi sai lầm nhưng khi đã có sự bao dung thì mọi việc sẽ được nhìn nhận rất nhẹ nhàng. Như vậy, nội hàm sơ bộ của tiêu chí yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên bao dung.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh: Sỹ Điền |
Tôn trọng sự khác biệt
Về tiêu chí an toàn, Bộ trưởng trao đổi: Trong trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. GV, HS phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.
Do vậy an toàn về thể chất, trước hết là chúng ta phát triển để khỏe mạnh. Bộ trưởng nhấn mạnh về an toàn tinh thần, sự tổn thương về tinh thần thậm chí còn nguy hiểm hơn là tổn thương về thể xác và có thể đi hết cả cuộc đời.
Đối với tiêu chí tôn trọng, Bộ trưởng trao đổi, cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.
Chúng ta hướng tới sự tốt đẹp, nhưng có nghĩa là tất cả vài trăm người giống nhau như một, dẫn đến đồng phục hóa trăm người như một. Nếu tất cả đều giống nhau thì đó là triệt tiêu sự sáng tạo, triệt tiêu những tư tưởng đổi mới. Cho nên khuyến khích sự khác biệt nhưng phải trong sự thống nhất.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nội hàm sơ bộ của tiêu chí yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung. |
Theo Bộ trưởng, văn bản là rất cần, luôn phải rà soát. Nhưng dựa vào văn bản chưa chú ý đến thực tiễn thì văn bản không đi vào cuộc sống. Chúng ta chọn những việc rất thiết thực, hiệu quả, khả thi.
Bộ trưởng đề nghị các sở GD&ĐT, các nhà trường, các thầy, cô giáo phải đồng hành cùng Công đoàn ngành GD Việt Nam trong việc triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc.
Các trường cần khảo sát, đánh giá, những tiêu chí nào đạt thì tiếp tục triển khai, những tiêu chí nào chưa đạt thì có kế hoạch cụ thể, triển khai dần từng bước. Để mỗi một năm, mỗi nhà trường, mỗi thành viên trong nhà trường cảm thấy được hạnh phúc hơn.
Bộ trưởng lưu ý, không lấy chỉ số trường học hạnh phúc là tiêu chí thi đua, nhưng sẽ là một minh chứng để các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các nhà trường đánh giá; hàng năm HS của trường mình được hạnh phúc hơn, GV được hạnh phúc hơn, đấy là tiêu chí quan trọng của lãnh đạo và là phần thưởng cho lãnh đạo khi thấy nhân viên của mình được hạnh phúc hơn.