Trong lịch sử văn học Việt Nam, nhắc tới những giai đoạn thi ca nổi bật, người ta không thể không nhắc đến phong trào Thơ Mới Việt nam 1930-1495. Đây là một vườn hoa thi ca đầy hương sắc hội tụ nhiều nhà thơ với những phong cách thơ đa diện. Những sắc màu hương vị của thơ Mới được khái quát gần như đủ đầy trong cuốn sách mang tên: “ Thi nhân Việt Nam”.
“Thi nhân Việt Nam” là tên cuốn sách hợp tuyển - nghiên cứu, phê bình về phong trào Thơ mới Việt Nam (1930-1945) , do hai anh em nhà văn Hoài Thanh và Hoài Chân biên soạn. Đây là một hợp tuyển thơ đầu tiên của thời kỳ thơ mới, ghi nhận lại những tên tuổi nhà thơ và những bài thơ giá trị trong khoảng 1932–1941. "Thi nhân Việt Nam" đã chắt lọc, nâng niu và làm sống động thêm những dòng thơ Mới mà các tác giả rung cảm, trân trọng.
Ngoài những nhận xét rất tinh tế và đắt giá về từng nhà thơ được đưa vào hợp tuyển và về những bài thơ của phong trào thơ mới, cuốn sách còn được coi như là một nguồn tư liệu khá đầy đủ về phong trào thơ mới với bài luận đầu sách: "Một thời đại trong thi ca". Một thời đại trong thi ca đề cập đến nhiều vấn đề bao gồm: Nguồn gốc thơ mới (không chỉ tìm nguồn gốc thơ mới từ sự tiếp xúc với phương Tây, mà trước hết phải tìm nó từ đời sống tinh thần xã hội Việt Nam đương thời); cuộc tranh luận thơ mới-thơ cũ; vài nét về con đường phát triển 10 năm của thơ mới; đặc điểm về hình thức và thể loại; triển vọng trước mắt của thơ mới; tinh thần cốt lõi của thơ mới; tấn bi kịch của cái "tôi" (đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi, mất bề rộng ra đi tìm bề sâu, nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh); sự bế tắc sau 10 năm phát triển của thơ mới (với sự xuất hiện của các khuynh hướng thơ bí hiểm như thơ Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh v.v.), đồng thời gợi ý cho các nhà thơ về nỗ lực vượt thoát khỏi sự bế tắc (trở về cội nguồn dân tộc, tìm đến di sản tinh thần của cha ông, nhất là ca dao).
Ngoài giá trị nội dung, Thi nhân Việt Nam còn được đánh giá là có một giá trị nghệ thuật rất đặc sắc. Giọng văn xuôi của Hoài Thanh và Hoài Chân trong cuốn này gần như giọng tâm tình, âm điệu nhẹ nhàng và câu từ duyên dáng, đôi khi cũng rất dí dỏm. Một phong cách viết lý luận văn chương đầy cá tính và mẫu mực.
Nhìn tổng thể, Thi nhân Việt Nam là công trình biên khảo có giá trị tin cậy cao về phong trào Thơ mới, cả về ba mặt: nghiên cứu, phê bình và tuyển thơ. Cuốn sách ra đời sau khi hành trình thơ mới đã đi được 10 năm và vẫn còn tiếp tục chặng đường, nhưng vẫn có ý nghĩa của một công trình tổng kết cả phong trào.
Học và nghiên cứu sâu về phần Thơ Mới (Ngữ văn 8), các em nhớ tìm đọc cuốn “ Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân (hiện có tại thư viện nhà trường) để có thêm những hiểu biết về cả một thời đại thi ca đỉnh cao trong lich sử văn học nước nhà.