1. ISO là gì?
ISO, tên viết tắt của tổ chức International Organization for Standardization- một tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế độc lập, phi chính phủ có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ bao gồm 164 cơ quan thành viên tiêu chuẩn quốc gia trên toàn thế giới. được thành lập vào năm 1946 và chính thức hoạt động vào ngày 23/2/1947, nhằm mục đích xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, thương mại và thông tin…Thông qua các thành viên của mình, ISO tập hợp các chuyên gia để chia sẻ kiến thức và phát triển các Tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, dựa trên thị trường, tự nguyện, hỗ trợ đổi mới và cung cấp giải pháp cho các thách thức hội nhập toàn cầu.
Tại Việt Nam, tổ chức tiêu chuẩn hoá là Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường.
2.Tiêu chuẩn ISO là gì?
Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO có chức năng nghiên cứu, xây dựng và công bố các tiêu chuẩn ISO quốc tế nhằm mục đích làm cho mọi hoạt động thực hiện theo đúng chuẩn mực. Bao gồm: cung cấp thông số kỹ thuật chuẩn Quốc tế để đảm bảo cho các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả, cung cấp tài liệu chuẩn cho các tổ chức, đảm bảo hoạt động theo đúng thể thức, quy trình mẫu mực, dẫn đến năng suất, hiệu quả hoạt động tối ưu.
Cho đến thời điểm hiện nay, tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO đã ban hành tới 22.919 tiêu chuẩn quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Môi trường, thực phẩm, quản lý…và các văn bản tài liệu liên quan.
- Sơ lược về ISO 9001: 2015: ISO 9001: 2015 là một tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng do tổ chức ISO phát triển và ban hành vào tháng 9 năm 2015 . Tiêu chuẩn này có tên đầy đủ là ISO 9001:2015 - Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu. ISO 9001 đưa ra các yêu cầu được sử dụng như một khuôn khổ cho một Hệ thống quản lý chất lượng. Tiêu chuẩn này cũng được sử dụng cho việc đánh giá chứng nhận Tiêu chuẩn Việt Nam tương đương: TCVN ISO 9001:2015 Quản lý chất lượng - Các yêu cầu.
Với những ưu điểm vượt trội về một hệ thống quản lý tiên tiến, ISO rất cần thiết được áp dụng cho các nhà trường phổ thông.
3. Tính chất của hệ thống quản lý chất lượng ISO :
Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu về ISO và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015, ta có thể thấy bản chất, tính ưu việt cơ bản của hệ thống quản lý này mang lại như sau:
- Đây là hệ thống quản lý hướng đến mục tiêu là chất lượng công việc và sản phẩm.
- Đi vào việc quy trình, thủ tục hóa các mặt hoạt động của cơ quan, tổ chức.
- Có tính chất khoa học, chặt chẽ, có thể điều chỉnh để áp dụng trong mọi tổ chức, mọi tình huống cá biệt.
- Hoạch định cụ thể đến mức chi tiết, tỉ mỉ các công việc, thao tác cần làm cho một hoạt động; có tính công thức, chuẩn hóa giúp người thực hiện công việc có thể ghi nhớ, bao quát quá trình làm việc của bản thân và tập thể một cách dễ dàng mà không sợ có những lỗ hổng trong chuỗi các công việc phải tiến hành.
- Luôn đảm bảo đầy đủ các minh chứng, các văn bản giấy tờ liên quan đến các hoạt động đã thực hiện.
- Có tính chất thúc đẩy các thành viên trong tổ chức về sự cố gắng, tính kỉ luật và sự sáng tạo.
Và một điều đặc biệt cũng cần nhấn mạnh đó là hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 không phải là tiêu chuẩn dành cho một sản phẩm, một mặt hàng mà là tiêu chuẩn dành cho hệ thống quản lý, hoạt động của các tổ chức, cơ quan, tập thể. Từ đó, ta có thể khẳng định, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong các nhà trường phổ thông là hoàn toàn có thể thực hiện được và việc áp dụng này sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình quản lý giáo dục.
Từ những lợi ích quan trọng, toàn diện do việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO đem lại, ngày 05/3/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Đến ngày 31/12/2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã raquyết định công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu;
Việc áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001 tại các cơ quan, đơn vị hành chính đã đem lại những hiệu quả khả quan, giúp cán bộ, công chức triển khai công việc và quản lý hồ sơ công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian xử lý các văn bản, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, đúng thời gian. Từng bước cải tiến phương thức làm việc, giảm tác động tiêu cực khi giải quyết các thủ tục hành chính cho các tổ chức, công dân.
4. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO vào khối giáo dục:
Tuy nhiên, thực tế ở nước ta việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO chưa được thực hiện nhiều trong các đơn vị khối giáo dục. Đặc biệt đối với các trường học thuộc giáo dục công lập thì việc áp dụng này còn nhiều mới mẻ, là một thử thách trong quá trình cải tạo hệ thống quản lý ở các trường thuộc cấp giáo dục cơ sở. Trong khi thực tế các hoạt động trong nhà trường của ta phần nhiều được tiến hành theo kinh nghiệm, từ năm này truyền qua năm khác, trường này qua trường khác. Việc khái quát các quá trình hoạt động của nhà trường thành các quy trình rất ít trường thực hiện; Hoặc có ghi chép lại nhưng vẫn mang tính chủ quan, chưa khoa học. Vì vậy, hiệu quả công tác quản lý ở các trường phổ thông còn dựng lại ở mức hạn chế.
Thực tế đó đòi hỏi việc đưa vào nhà trường một hệ thống quản lý chất lượng, mọi hoạt động trong nhà trường được chuẩn hóa thành các quy trình mẫu, đảm bảo tính chất khoa học, hợp lý trong công việc, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, việc triển khai ISO trong trường phổ thông là một quá trình không dễ. Vì bản chất ban đầu của ISO là dành cho các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế. Việc xây dựng và áp dụng các quy trình theo chuẩn ISO tại trường học đòi hỏi không ít công sức của BGH, cán bộ, giáo viên nhà trường và thời gian để thay đổi cung cách làm việc cũ.
Song có một điều chắc chắn rằng quyết tâm thực hiện hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO trong nhà trường phổ thông, chúng ta sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục, xây dựng nhà trường quy củ, văn minh, hiện đại.