Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Người luôn chăm lo đến đời sống của nhân dân. Thay mặt Chính phủ, Người khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” . Vì vậy, để chăm lo cho sức khỏe của nhân dân, Người rất quan tâm đến việc rèn luyện và động viên đội ngũ cán bộ y tế - những người “chiến sĩ đánh giặc ốm để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”. Nhân ngày 27/2/2016, thêm một năm nữa kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng ta lại nhớ đến những lời căn dặn đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những bức thư gửi ngành y tế. Trong đó, Người luôn trăn trở để góp phần xây dựng đội ngũ y tế vừa hồng vừa chuyên, vừa có đức và vừa có tài.
Người thường căn dặn đội ngũ cán bộ y tế các cấp phải luôn hướng tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của người dân. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công”, “sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hǎng hái; tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành y tế là phải chăm lo cho sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm, được đầy đủ.
Trước hết, Người chủ trương phát động các phong trào thi đua trong ngành y tế, bởi vì theo Người “thi đua là yêu nước” và “yêu nước thì phải thi đua”, thi đua để mọi người cùng nhau cố gắng vượt qua chính mình và vươn lên giành thắng lợi trong thi đua với mọi người, góp phần thúc đẩy sự phát triển trong ngành y tế. Trong Thư gửi Hội nghị Y tế Liên khu” họp tại Liên khu X từ ngày 4 đến ngày 7-6-1948, Người đã phát động 3 phong trào thi đua chủ yếu nhất, cần thiết nhất đối với hoàn cảnh của nước ta lúc đó và thậm chí nó cần thiết, phù hợp với mọi thời điểm để có thể tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc chữa bệnh lại còn phát huy được lợi thế của nước ta:
“thi đua nhau tìm ra những thứ thuốc mà nước ta sẵn có nguyên liệu;
thi đua cùng nhau tìm cách chữa chóng khỏi mà tốn ít thuốc;
thi đua nhau tìm ra những thứ thuốc dễ sắm nhất và hiệu nghiệm nhất.”
Người còn căn dặn “Ngoài ra, cách tổ chức làm việc, tuyên truyền vệ sinh, số bệnh nhân được chữa khỏi; giúp đỡ dân chúng, vân vân, đều là những điểm cần đưa vào cuộc thi đua.”
Ngoài việc phát động phong trào thi đua, Người thường xuyên động viên cán bộ y tế để họ làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Trong bức thư gửi nam nữ học viên Trường y tá Liên khu I”,Người nhắc nhở “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ”. Vì vậy “Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh”
Hồ Chủ tịch quan niệm, người làm nghề y không chỉ có nhiệm vụ chữa bệnh cho nhân dân khi có người mắc bệnh mà quan trọng không kém là còn phải hướng dẫn nhân dân cách phòng bệnh. Nhiều dịch bệnh đã xảy ra vì sự thiếu hiểu biết của nhân dân trong sinh hoạt, trong ăn uống, trong lao động…Điều lý tưởng nhất đối với mỗi người là cơ thể không bị mắc bệnh gì, cho nên cách tốt nhất là làm tốt công tác phòng bệnh. Để giúp nhân dân phòng bệnh một cách hiệu quả, trong“Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế toàn quốc năm 1953”, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ y tế cần phải: “Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt.
Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân.
“Lương y phải kiêm từ mẫu”
Đặc biệt, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế” đăng trên Báo Nhân Dân, số 362, ngày 27/2/1955 mà sau này đã được lựa chọn thành ngày kỷ niệm ngành y tế Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã căn dặn ba điều hết sức căn bản mà đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị và ngành y tế còn phải tiếp tục phấn đấu để thực hiện cho được, đó là:
“Trước hết là phải thật thà đoàn kết “
Hồ Chủ tịch luôn kêu gọi tinh thần đoàn kết ở mọi cấp độ, mọi tầng lớp, mọi ngành, bởi vì theo Người, đoàn kết làm ra sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi. Trong cuộc chiến “đánh giặc ốm”, rất cần sự đoàn kết trong toàn ngành y tế không chỉ để từ lãnh đạo đến nhân viên hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường sức mạnh mà còn để phát huy được năng lực sáng tạo trong mỗi cá nhân và trong cả tập thể của ngành.
Nhưng làm thế nào để có thể thật thà đoàn kết như lời Người căn dặn? Một trong những yếu tố quan trọng có thể gắn kết tất cả các thành viên trong ngành y lại với nhau, đó chính là lợi ích và lợi ích chung nhất của toàn ngành y là chăm sóc và bảo vệ được sức khỏe cho nhân dân. Nhưng muốn đạt được điều đó thì người cán bộ y tế bất kể làm việc gì cũng phải xuất phát từ cái tâm, phải thật sự “thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình”.
Điều đặc biệt quan trọng nữa, đó là ngay từ thời kỳ còn đang rất khó khăn đó, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và mong muốn đội ngũ cán bộ y tế có thể “xây dựng một nền y học của ta”, “xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng”. Làm được như vậy, chúng ta vừa có nền y học độc lập, không lệ thuộc và phụ thuộc vào bên ngoài, vừa có thể tranh thủ và phát huy được “nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc” của ông cha ta ngày trước.
Đây là những lời căn dặn hết sức quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành y tế Việt Nam, thực hiện được như thế sẽ góp phần huy động sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trong cuộc chiến đấu bảo vệ sức khỏe nhân dân, nâng cao tầm vóc của con người Việt Nam trong thời đại mới. Vì vậy, kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 vừa là dịp để tôn vinh những người thầy thuốc đã và đang tận tâm tận lực cống hiến với nghề, và còn hơn cả đó là dịp để chúng ta cùng ôn lại lời dạy của Hồ Chủ tịch, cùng nhìn nhận lại chặng đường đã qua, xem xét những gì chưa làm được để cố gắng sửa chữa và phát huy những thành tựu đã có, sao cho xứng đáng với danh hiệu “người thầy thuốc nhân dân”. Với trọng trách cao cả là đào tạo cán bộ đóng góp cho nguồn nhân lực ngành y tế của tỉnh nhà, Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đang ngày một nỗ lực vươn lên, nâng cao về chất lượng và mở rộng, chuyên sâu đào tạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.