BÀI TUYÊN TRUỀN LẠM DỤNG THUỐC HO RECOTUS
1. Recotus là gì?
Recotus là loại thuốc có tác dụng làm giảm ho do cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, ho do lao hoặc ho do hút thuốc hay hít phải các chất kích thích. Thuốc có thể gây buồn ngủ, chống chỉ định (không được dùng) cho trẻ em dưới 6 tuổi, người bị bệnh gan, suy hô hấp, người có tiền sử mắc bệnh suyễn hay nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Nếu dùng recotus quá liều có thể bị ngộ độc với các triệu chứng: buồn nôn, ngủ gật, rung giật nhãn cầu và giảm thị lực, lơ mơ, ảo giác, có thể dẫn đến suy hô hấp, co giật và thậm chí tử vong. Ở liều điều trị 4 viên/ngày và sử dụng dưới 7 ngày, thuốc có tác dụng tốt trong điều trị ho, nhưng ở liều cao hơn có thể gây ảo giác, lạm dụng lâu ngày sẽ dẫn đến lệ thuộc thuốc.
2. Thành phần của thuốc ho Recotus
Một viên recotus chứa dextromethorphan HBr 30mg là dẫn xuất của morphin, có tác dụng chống ho bằng cách ức chế trung tâm ho ở hành tủy. Chất này tuy ít gây nghiện hơn heroin, morphin, ma túy tổng hợp (thuốc lắc), nhưng lạm dụng có thể gây hậu quả lâu dài dẫn đến lệ thuộc vào thuốc, gây buồn nôn, buồn ngủ, ảo giác, rung giật nhãn cầu, trạng thái tê mê, mất điều hòa... nếu sử dụng quá liều.
Còn chất diprophyllin HCl là dẫn xuất của theophyllin, có tác dụng làm giãn phế quản do làm giãn cơ trơn, kích thích thần kinh trung ương gây hưng phấn nhưng lại có tác dụng trực tiếp lên tim, huyết áp nên dùng quá liều sẽ gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp rất nguy hiểm. Thành phần diprophyllin phải rất thận trọng khi dùng vì nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là làm nhịp tim đập nhanh, gây khó chịu. Nếu dùng quá liều có thể bị buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhìn mờ, rung giật nhãn cầu, bí tiểu tiện, mất điều hòa, suy hô hấp, co giật.
3. Tác hại khi lạm dụng thuốc ho Recotus
Sự kết hợp của ba hoạt chất này trong thuốc ho Recotus có tác dụng tốt trong điều trị các trường hợp:
- Ho do cảm lạnh, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, lao…
- Ho do hút thuốc quá nhiều, hít phải các chất kích thích.
4. Liều dùng của thuốc ho Recotus
Người lớn uống 1 viên sau mỗi 6 – 8 giờ. Không được dùng quá 4 viên/ngày.
Trẻ em 6 – 12 tuổi, mỗi lần uống 1 viên, ngày uống 2 lần (không dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi).
Lưu ý khi sử dụng thuốc ho Recotus:
Khi sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hoặc trong tờ hướng dẫn dùng thuốc ho Recotus (có trong hộp thuốc), thuốc ho Recotus có tác dụng tốt trong điều trị ho, nhưng vẫn có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn của thuốc ho Recotus (ngay ở liều điều trị).
Đặc biệt thuốc ho Recotus có thể gây buồn ngủ nên cần thận trọng khi dùng cho những người lái tàu, xe, vận hành máy, thiết bị… đòi hỏi cần phải có sự tỉnh táo.
Nếu lạm dụng thuốc ho Recotus, dùng sai mục đích: Trốn học bài (do buồn ngủ), hoặc nghĩ rằng thuốc ho Recotus có thể làm tăng hưng phấn trong học tập như một số học sinh đã làm… rồi uống với liều cao, mách nhau cùng uống thì nguy cơ gặp các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc ho Recotus và nguy cơ bị ngộ độc thuốc ho Recotus sẽ tăng lên với các triệu chứng như: Buồn nôn, ngủ gật, rung giật nhãn cầu và giảm thị lực, lơ mơ, ảo giác, có thể dẫn đến suy hô hấp, co giật và thậm chí tử vong…
Như vậy, thuốc ho Recotus được sản xuất ra để điều trị bệnh phải sử dụng đúng chỉ định, liều lượng và thời gian dùng sẽ có tác dụng điều trị bệnh tốt. Nhưng nếu lạm dụng, lợi dụng “mặt trái” của thuốc ho Recotus để sử dụng vào mục đích riêng sẽ biến một loại thuốc ho thông thường trở thành chất độc hại và hệ lụy sẽ khó lường.
5. Tại sao thuốc ho recotus lại bị lạm dụng?
Thuốc ho recotus có tác dụng gây buồn ngủ, tạo ra trạng thái ngầy ngật nên trẻ em độ tuổi mới lớn có thể dùng nó để tìm cảm giác lạ. Nguyên nhân là do hai thành phần dextromethorphan và diprophyllin kết hợp có thể tạo nên trạng thái lâng lâng cho người sử dụng.
Khi đã bắt đầu quen với trạng thái lâng lâng, đê mê, các em học sinh mới lớn có thể tìm đến các chất gây nghiện nguy hại như heroin, amphetamin... Điều đáng nói, recotus là loại thuốc được bán tự do và không cần kê đơn, với giá mỗi vỉ thuốc 10 viên nang mềm khoảng 7.000-8.000 đồng nên học sinh dễ mua.
Vì thế mà từ một loại thuốc ho thông thường, khi bị lạm dụng không phải để điều trị ho, các sản phẩm này đã bị biến thành chất gây nghiện như ma túy với nhiều hệ luỵ khó lường nếu không được ngăn chặn. Khi sử dụng đến 4 hoặc 6 viên recotus một lần, trẻ sẽ lâm vào trạng thái từ lạm dụng đến lệ thuộc thuốc với nhu cầu đòi hỏi ngày càng tăng.
Học sinh ở lứa tuổi 10 - 12 vốn rất tò mò, hành động theo tâm lý bầy đàn. Ban đầu, trẻ có thể sử dụng thuốc để giả bệnh, trốn học vì sợ trả bài, sợ áp lực học hành, nhưng lâu dần, trẻ nghiện và phụ thuộc vào thuốc lúc nào không hay. Lúc đó, recotus trở thành “ma túy” gây lệ thuộc thuốc và chính giai đoạn lơ mơ, nửa tỉnh nửa mê do “phê” thuốc quá liều, người nghiện dễ có những hành vi thiếu kiểm soát. Đôi khi, chỉ cần đôi lời khích bác, con nghiện cũng có những hành vi không kiểm soát được như hung hăng, gây án mạng giết người.
Trong thực tế, nhiều loại thuốc chữa bệnh đều có chứa một hàm lượng nhỏ các hoạt chất mà nếu dùng quá liều hoặc lạm dụng với mục đích không phải chữa bệnh đều có thể gây độc hoặc gây nghiện. Nhiều chất “ma túy” ngày nay vẫn đang được ngành y tế sử dụng để làm thuốc trị bệnh vì nó được dùng ở liều lượng thích hợp trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của thầy thuốc. Nhiều loại thuốc giảm đau như morphin, heroin rất cần thiết cho bệnh nhân ung thư đang đau đớn.
Ngay cả amphetamin (ma túy đá) có công dụng gây hưng phấn, tỉnh táo đôi khi vẫn được chuyên khoa điều trị tâm thần chỉ định để điều trị chứng ngủ rũ cho người bệnh. Đối với thuốc ho có dextromethorphan cũng thế. Nó thực tế vẫn là một loại thuốc trị ho tốt nếu sử dụng theo đúng liều lượng chỉ dẫn khi cần thiết. Vấn đề là cần phải quản lý thuốc cho tốt và hướng dẫn người dân để tránh bị lạm dụng vào những mục đích phi y học, biến thuốc chữa bệnh thành chất gây nghiện như ma túy gây hại cho cộng đồng.
Chú Ý: GVCN các lớp tuyên truyền phổ biến đến các em học sinh và phụ huynh của lớp để phụ huynh, học sinh thấy tác hại của thuốc khi sử dụng không đúng mục đích.
|
Ngày tháng 11 năm 2019
|
Hiệu trưởng duyệt
|
Nhân viên y tế
|