Hưởng ứng ngày hội Sách Việt Nam 21-4, hưởng ứng phong trào đọc sách của trường THCS Cao Bá Quát và nhân dịp kỉ niệm 730 năm ngày sinh của Chu Văn An, tập thể lớp 8A5 xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Chu Văn An -Người thầy của muôn đời”. Cuốn sách gồm 227 trang do huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội tổ chức biên soạn, được nhà xuất bản chính trị quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2014. Cuốn sách giúp độc giả hiểu rõ về cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An.
Chu Văn An sinh năm 1292 mất năm 1370, quê ở làng Quang Liệt, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.Là người tiêu biểu nhất và cũng là một biểu tượng sáng chói nhất trong lịch sử giáo dục của Việt Nam, người được tôn vinh là “vạn sư thế biểu” – người thầy của muôn đời.Ông đã làm rạng danh huyện Thanh Trì- mảnh đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Ngay từ khi còn nhỏ, Chu Văn An đã nổi tiếng là một người cương trực, luôn sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Ông có một tư cách thanh cao, học vấn sâu rộng, đã làm cho tiếng tăm của ông ngày một lan xa.
Do tài năng và phẩm hạnh, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ các thái tử và phò giúp nhà vua.
Khi triều đình rối ren, vua quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính, ông đã nhiều lần khuyên can nhưng không được. Quá bất bình, ông đã dâng thất cạp sớ xin chém đầu 7 tên nghịch thần để mong giữ yên triều chính. Thất cạp sớ của ông không được Vua đoái hoài đến, ông đã trả mũ áo từ quan, nêu lên khí tiết của người thầy, về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, Chí Linh Hải Dương. Ông tiếp tục dạy học, nghiên cứu y học, viết sách, làm thơ, …. Các tác phẩm của ông theo sử sách ghi lại có Tứ thư thuyết ước, Y học giải yếu, một số sách khác và 12 bài thơ chữ Hán.
Chu Văn An được tôn vinh là người thầy của muôn đời, không chỉ vì ông là một nhà giáo tài năng, đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam mà còn là tấm gương sáng về đạo làm người. Chính vì vậy, khi qua đời, ông đã được truy tặng tước phẩm cao nhất trong các hạng tước, được tọng tự ở Văn Miếu và được hậu thế dựng đền miếu phụng thờ .
Đọc hết từng trang của cuốn sách, bạn đọc sẽ luôn cảm phục và kính trọng ông – một người thầy giáo suốt đời sửa mình trong sạch, giữ vững khí tháo, một danh nhân văn hóa trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục của Việt Nam, một nhà giáo mẫu mực. Cả cuộc đời gắn bó cho sự nghiệp trồng người, phụng sự đất nước, không cầu danh lợi, chính trực, thanh liêm.Ông mãi mãi là tấm gương sáng cho các thầy cô giáo và thế hệ trẻ Việt Nam học hỏi và noi theo.
Chúng em cũng rất tự hào vì được học dưới mái trường Cao Bá Quát – nơi có nhiều các thầy cô giáo tâm huyết, tận tâm, luôn làm gương cho học sinh chúng em học tập. Chúng em luôn biết ơn công lao của các thầy cô và sẽ cố gắng học hỏi nhiều điều hay, tích cực làm nhiều điều tốt để giữ gìn văn hóa và truyền thống của các danh nhân như Chu Văn An, Cao Bá Quát và các thế hệ đi trước.
Chúng em rất mong cuốn sách “Chu Văn An- người thầy của muôn đời” sẽ được nhiều độc giả đón đọc hơn nữa.