Đôi nét về tác giả Markus Zusak
Một điều gây bất ngờ cho độc giả khi tìm hiểu về cuốn sách được viết với bối cảnh Thế chiến thứ II này đó là tác giả Markus Zusak là một cây viết còn rất trẻ. Zusak được sinh ra vào ngày 23/6/1975 tại thành phố Cảng lâu đời và nổi tiếng của nước Úc, thành phố Sydney. Ông là con trai út trong một gia đình có bốn anh chị em, có người cha mang quốc tịch Áo và mẹ là công dân Đức.
Markus Zusak là tác giả của 6 cuốn tiểu thuyết, trong đó hai tác phẩm The Messenger (2002) và The Book Thief (2005) đã đưa tên tuổi của Zusak lên một tầm cao mới, khiến ông trở thành Một trong những tác giả trẻ nổi tiếng nhất của thế kỷ 21. Cây bút tài năng này đã thắng giải thưởng Margaret của Hiệp hội Thư viện Mỹ vào năm 2014 cho những đóng góp của mình vào nền văn học dành cho giới trẻ.
Nội dung chính của cuốn tiểu thuyết Kẻ Trộm Sách
Kẻ Trộm Sách đưa chúng ta theo chân cô bé Liesel Meminger – một bé gái được nhận nuôi bởi một gia đình ở phố Thiên Đàng vào những năm thế chiến thứ II nổ ra, chứng kiến chuỗi sự kiện lạ kỳ diễn ra xung quanh cô bé có số phận đặc biệt này.
Chuyến hành trình đầy lôi cuốn với tác phẩm này sẽ khiến cho độc giả phải nín thở khi được Thần Chết dẫn lối qua vô vàn những cung bậc cảm xúc ngỡ ngàng, rồi xúc động đến nghẹn ngào, hay hồi hộp căng thẳng rồi lại thở phào nhẹ nhõm. Vừa khóc lại bật cười, rồi lại rơi nước mắt khi lật giở qua từng trang giấy.
Cả câu chuyện như nằm sẵn dưới cây bút của Thần Chết, vị thần chết này không trêu đùa với mạng sống của con người, nhưng lại như trêu đùa với cảm xúc của chính chúng ta. Ông kể cho ta nghe về hạnh phúc nhưng lại cảnh báo về sự khổ đau. Ông biến những niềm vui trở nên mong manh, khiến cho người đọc nâng niu từng khoảnh khắc ngọt ngào, rồi lại ném họ vào hố sâu của đớn đau một cách bất ngờ. Ẩn mình dưới vai của một Thần Chết, Markus Zusak xứng đáng với nhận định mà công chúng ưu ái dành cho mình “Một bậc thầy về ngôn từ”.
Ngay giữa sự chết chóc của một cuộc chiến khủng khiếp tiêu diệt biết bao sinh mạng của nhân loại, câu chuyện này như một đóa hoa nhỏ bé và rực rỡ mọc lên giữa vô vàn bom đạn dữ dội, nơi các ác tràn lan khắp mọi nơi. Câu chuyện xoáy sâu vào sự phức tạp bên trong mỗi con người, sự đối lập trong cả thế giới loài người, một sự hỗn độn xen lẫn cả thiện ác, khiến cho cả Thần chết cũng phải bối rối mà thốt lên rằng:
“Tôi những muốn hỏi bà ấy làm sao mà một giống loài lại có thể vừa quá xấu xa, vừa quá vĩ đại như vậy, và làm sao mà từ ngữ của giống loài ấy lại có thể vừa đáng nguyền rủa, vừa thần diệu đến thế” (Trích: Kẻ Trộm Sách)
Cảm nhận của độc giả về cuốn tiểu thuyết này
Các độc giả sau khi mua cuốn sách từ Tiki đã không tiếc lời ngợi khen cuốn sách kinh điển này – một cuốn sách “không thể bỏ lỡ”. Và phần bình luận cũng ngập tràn những lời thúc giục các độc giả đi ngang qua hãy tìm đọc nó, để biết được điều gì ẩn giấu đằng sau cuốn sách đầy quyến rũ về cả mặt nội dung lẫn ngôn từ này.
Câu chuyện của Thần chết đã nhận được rất nhiều lời nhận xét đầy ưu ái từ các độc giả trên Goodreads. Bạn đọc Rosie Nguyễn đã để lại một lời cảm thán “Một cuốn sách rất rất tuyệt diệu”. Bạn đọc này cũng đã đề cập đến chuyến tàu cảm xúc mà bạn được trải nghiệm khi đọc cuốn sách “tuyệt diệu” này, rằng nó vừa hài hước, cay đắng, vừa thấm đẫm tình người, khiến cho người ta phải cười trong nước mắt, khóc trong tiếng cười.
Những điểm tâm đắc sau khi đọc tiểu thuyết Kẻ Trộm Sách
Một cuốn sách viết về một cuộc chiến đã xảy ra từ rất lâu – một cuộc chiến tàn khốc để lại rất nhiều mất mát, nhưng lại dạy ta những bài học rất nhân văn dù ta sống ở trong thời đại hay bối cảnh nào.
Giữa khung nền ảm đạm của cuộc chiến, len lỏi vào đó là sự trân trọng âm nhạc và sắc màu
“Mỗi buổi sáng khi bố đẩy hay kéo cái xe ra khỏi nhà, Liesel đều mang theo cây đàn. “Chúng ta thà để lại những thùng sơn”, Hans bảo với nó, “còn hơn là để quên âm nhạc ở nhà”
Âm nhạc và những sắc màu là đại diện cho những điều nhỏ nhoi đẹp đẽ luôn hiện hữu xung quanh chúng ta. Một bài hát có thể làm lòng ta nhẹ nhõm phần nào trong những căng thẳng của đời sống, một sắc cầu vồng sau ngày mưa cũng làm ta phấn chấn hơn trên đường trở về nhà. Một sớm mai thức dậy thấy bầu trời xanh lộng gió cũng làm ta thêm yêu đời. Cuộc sống sẽ đẹp hơn biết bao nhiêu nếu ta biết trân trọng những điều như vậy.
Giữa sự lạnh lùng tàn bạo của chiến tranh là tình thương giữa người cha nuôi và cô con gái nhỏ, tình bạn hồn nhiên giữa hai cô cậu bé lớn lên trong cùng một góc phố tồi tàn thời chiến, là tình cảm của những kẻ đồng cảnh ngộ trú ngụ trong hầm tránh bom, là lòng thương xót của người cha với anh chàng Do Thái đang trốn chạy khỏi sự truy đuổi của Đức Quốc Xã.
“Khi ông bật đèn sáng lên trong gian phòng rửa nhỏ xíu và thảm hại vào đêm hôm đó, Liesel quan sát nét lạ lùng trong đôi mắt của người cha nuôi. Chúng được làm từ lòng tốt, và bằng bạc. Như thứ bạc mềm, đang tan chảy vậy.” (Trích: Kẻ trộm sách)
Sự kết nối giữa người với người là một sợi dây giữ ta thăng bằng trong cuộc sống. Con người, nếu không có đồng loại, không có sự cảm thông sẻ chia, sẽ đơn độc đến tận cùng. Giữa thế giới còn đầy rẫy những hiểm ác và ngập tràn những điều phù phiếm và xấu xa, thứ tồn tại vững chãi nhất là lòng nhân đạo đối với người đang gặp khó khăn, và sự can đảm trong cuộc chiến của chính mình.
Khả năng sử dụng ngôn từ vô cùng điêu luyện và tuyệt diệu của Markus Zusak
Giống như ông gom một đống từ ngữ trong tay, ném mạnh lên mặt bàn để thể hiện sự phẫn nộ, rải chúng vương vãi trên sàn nhà với thái độ thờ ơ lãnh đạm, hay xếp chúng để những từ ngữ ngân nga lên thành một bản nhạc, rồi tung chúng lên nền trời để vẽ lên một chiếc cầu vồng rực rỡ.
Đây là một cuốn sách mà ngoài việc bị ấn tượng với nội dung của câu chuyện thì độc giả còn “sốc” vì lối dẫn truyện dí dỏm sâu sắc và cách lựa chọn từ ngữ mang dấu ấn rất riêng của tác giả. Một tác phẩm rất đáng đọc.