"Tôi hỏi đất:
- Đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước:
- Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ:
- Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
(HỮU THỈNH)
Hãy trả lời câu hỏi cuối bài thơ, từ đó trình bày suy nghĩ của em về lối sống của các bạn trẻ trong xã hội hiện nay.
BÀI LÀM:
Chúng
ta lọt lòng mẹ, đón chào ánh bình minh trên cõi đời. Chúng ta được
nuôi nấng, học hành, vui chơi. Chúng ta được thương yêu, vỗ về, an ủi.
Chúng ta lớn lên dần trên hình hài tổ quốc. Chúng ta được tổ quốc che
chở. Chúng ta được đồng bào cưu mang. Chúng ta nhận hết những ưu ái,
đặc ân của cuộc sống ban tặng. Ta có bao giờ tự hỏi: “Mình đã sống như thế nào?”. Đã bao giờ ta tự vấn: “Người sống với người như thế nào chưa?”.
“Cuộc sống đã cho em bao ước mơ màu hồng, cho em bao khát vọng và tình yêu mênh mông”.
Khúc hát yêu cuộc sống vang lên trong một ngôi trường. Cuộc sống cho
chúng ta nhiều thứ, tưởng chừng mỗi cá nhân đều không thể có nếu cứ lấy
mọi thứ trong tâm tưởng chủ quan. Cuộc sống là một chất liệu thô và cần
bàn tay họa sĩ nhào nặn nó. Cuộc sống sẽ trở thành một tuyệt tác hay
biến thành một tác phẩm thô kệch, đều là do chúng ta, con người là nghệ
sĩ. Cuộc sống cho ta yêu thương và tình yêu thương nếu chúng ta viết vẽ
nên cuộc sống bằng tình yêu nhân loại.
Một
cuộc điều tra mối quan hệ giữa các sinh vật với nhau, khi hỏi đất, đất
sống với đất như thế nào, đất bảo đất tôn cao nhau. Đất tôn cao nhau
để làm nên những ngọn núi, như đỉnh Phan Xi Păng – nóc nhà Đông Dương.
Kikimajaro, ngọn núi cao nhất Châu Phi, hay cả Everest, nóc nhà thế
giới. Đất tôn cao nhau để sống, để sinh tồn, và những ngọn núi trẻ ngày
càng cao thêm mỗi năm. Khi hỏi nước sống với nước như thế nào, nước
bảo: “Chúng tôi lấp đầy nhau”. Nước làm đầy nhau, lấy đi những
khoảnh vực sâu thẳm, cung cấp chất khoáng cho cây trồng, và nước làm
nên bốn Đại dương, chiếm ba phần tư quả địa cầu. Khi hỏi cỏ sống với
nhau như thế nào, cỏ ôn tồn trả lời: “Chúng tôi đan vào nhau”.
Những ngọn cỏ sống không chỉ một mình, những lùm cỏ đan vào nhau. Làm
nên những chân trời, những thảo nguyên bạt ngàn vùng Ca-dắc-xtan, những
khu vườn quốc gia, khu rừng Amazon vĩ đại. Có sống đan xen vào nhau, cỏ
mới tồn tại và sinh sôi, cỏ mới có chỗ đứng trên thế giới này, Khi hỏi
người, người sống với người như thế nào, người vẫn chưa có câu trả
lời. Có chăng người không tự tin nói về lối sống của mình? Loài người
cần sống yêu thương, tương trợ lẫn nhau, nhưng vẫn chưa yêu thương,
tương trợ lẫn nhau.
“Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời
Con người muốn sống con ơi
Phải yêu đồng chí yêu người anh em
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian
Sống chăng một đốm lửa tàn mà thôi.
(Tiếng ru – Tố Hữu)
Một
người không thể làm nên một xã hội to lớn. Một người chỉ là một tế bào
của xã hội mà thôi. Một người nghĩ chỉ cần anh ta trên cõi đời là đủ
để sống, nhưng anh ơi, anh có thể ăn được những hạt cơm trắng ngần bao
mùa lúa khổ đau, anh có được yêu thương và che chở, anh có được chăm
sóc và nâng niu hay không? Chính xã hội mới làm cho cá nhân đứng vững
trong cuộc sống, cá nhân mới phát huy hết năng lực bản thân để làm nên
cái “tôi” riêng, cá tính, phong cách riêng. “Sống không thể tự nó mà
có, nó được hình thành từ những cơn sóng trên bề mặt đại dương. Con
người cũng thế, không ai có thể sống lẻ loi trên đời này một mình cả.
Ngược lại chúng ta cần phải sống hòa đồng với xã hội, để được tương trợ
và khoan dung”. Để sống, con người phải yêu thương nhau.
Cái
cây yêu khu rừng, bông hoa yêu vườn cảnh, thú yêu chim… và có thể mèo
yêu hải cẩu? Mọi thứ đều có thể xảy ra. Có ai đã từng đọc qua “Chuyện
con mèo dạy hải âu bay”. Một câu chuyện đầy lòng thương yêu và trắc ẩn.
Một con mèo đã ấp trứng chim hải âu, chờ nó nở, nuôi nấng nó, và dạy
nó bay. Có thật không, mèo dạy hải âu bay? Đó chính là sự thương yêu
những loài khác mình, mặc dầu biết là rất khó, nhưng con mèo đen mập ú
đã làm được. Những loài động vật khác nhau lại có thể yêu thương nhau
huống chi loài người chúng ta, cùng là “đồng bào”, cùng sống trên một
đất nước, một hành tinh trái đất.
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”
(Tố Hữu)
Tình
yêu thương con người, không gì đẹp bằng tình yêu thương con người!
Tình yêu thương làm cuộc sống chúng ta tràn ngập lòng tin yêu và vị
tha. Tình yêu thương giúp ta vượt qua những đắng cay của cuộc đời.
Người yêu người, ai nấy cũng đều nhận được điều gì đó, một điều mà
những con người máu lạnh không có được đó là tình thương yêu. Nó lấp
đầy bản thân, lấp đầy cuộc sống.
Con
người cần tình yêu thương để sống một cuộc sống thật sự, nhưng những
con người máu lạnh vẫn tiếp tục phá đi công trình yêu thương, tương trợ
suốt bốn ngàn năm của Việt Nam ta. Những “thương người như thể thương thân”. "Lá làm đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”
đâu hết rồi, thay vào đó là những ân oán, hận thù, ganh ghét, hận thù
mà ngày nay, năm nay, năm 2010, tình hình thế giới vẫn chưa ổn định. Và
bây giờ giới trẻ ngày càng làm lạnh máu mình đi hay sao, mà lại có
những hành vi bạo lực học đường, chém giết lẫn nhau, thờ ơ trước những
mảnh đời bất hạnh. Từ một cuộc chém giết tại trường Trung học cơ sở Tân
Bình đến cả những video clip nữ học sinh đánh nhau bị tung lên mạng,
gây nhiều dư luận phản đối. Rồi có cả một cô gái ném những chú cún con
vào vòng xoáy con sông. Tính người của họ đâu mất tiêu rồi, hay họ chỉ
chờ thời cơ để ăn thịt đồng loại? Tính “con” đã át hẳn tính “người”
rồi! Ôi, bạn Hào Anh, một nạn nhân của sự bóc lột hành hạ trẻ em đã
phải chịu biết bao cực hình của hai vợ chồng Giang Thơm để có tiền phụ
giúp gia đình. Bạn đã sống như chết. Những việc làm của hai vợ chồng
này vô cùng độc ác, man rợ, bất nhân. Không biết có từ nào có thể nói
đến họ, một lũ vô lương tâm! Lại đến những cuộc chiến tranh phi nghĩa
đã tàn sát hàng ngàn người dân vô tội sống trong vùng chiến tranh. Lòng
tham không đáy đã làm cho hai thành phố Hirosima và Nawasaki trở thành
bình địa khi nhận hai quả bom nguyên tử do Mỹ chế tạo. Rồi thế chiến
thứ Nhất đã tàn sát vô số người, trong đó có cô bé người Do Thái Anne
Frank, gia đình cô phải sống trong một khu nhà bí mật suốt hơn hai năm.
Cuốn nhật ký của Anna Frank đã gây dư luận suốt từ khi xuất bản năm
1946 đến tận nay.
Thế
chiến đã lấy đi cuộc sống vốn đang bình yên của họ. Người Do Thái còn
bị đối xử như những loài gia súc, gia cầm, quân quán phiệt phát xít Đức
thấy người Do Thái là thẳng tay giết chết! Rồi đến sự phân biệt chủng
tộc khủng khiếp nhất trên thế giới, chế độ A-pác-thai đã đẩy người da
đen xuống vực sâu của cái chết, bởi họ chẳng được một cái quyền gì cả.
Một công viên ở Nam Phi, ngoài cổng công viên có dòng chữ “Nơi đây chỉ
dành cho người da trắng, trừ chó và người da đen”! Người da trắng xem
người da đen tệ hơn loài chó! Và bây giờ, ai có thể khẳng định chế độ
phân biệt chủng tộc ngày nay đã hoàn toàn biến mất?? Giới trẻ ngày nay
chỉ nghĩ cho bản thân mình mà quên đi người khác, không quan tâm đến
những gì xung quanh. Công nghệ thông tin đã thay thế cho những tình cảm
thuần túy nhất, biến con người thành một thứ đồ vật vô cảm.
Nhưng
cuộc sống vẫn còn nhiều người biết quan tâm và yêu thương mọi người.
Ta không thể kể đến những tấm lòng hảo tâm của nhiều mạnh thường quân
đã đóng góp của cải vật chất để cải thiện cuộc sống những người nghèo
khổ và neo đơn. Ta ca ngợi những con người dám đứng lên đòi lại công
bằng cho loài người, toàn thể loài người, những nhà Nobel hòa bình đã
hết sức mình giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh và bệnh tật ở các
nước nghèo trên Châu Phi, Châu lục nghèo nhất thế giới. Những đứa trẻ
Châu Phi phải gánh chịu những hậu quả trầm trọng của nạn đói, xung đột
vũ trang. Một bài thơ gửi người da trắng của em bé Châu Phi có viết:
“Khi sinh ra, tôi màu đen
Khi tôi lớn lên, tôi màu đen
Khi tôi đi dưới nắng tôi màu đen
Khi tôi bệnh, tôi màu đen
Và khi tôi chết tôi vẫn màu đen
Còn bạn hỡi người da trắng
Khi bạn sinh ra bạn màu hồng
Khi bạn lớn lên bạn màu trắng
Khi bạn đi dưới nắng bạn màu đỏ
Khi bạn lạnh bạn màu xanh
Khi bạn bệnh bạn màu xanh (lục)
Và khi bạn chết bạn màu xám
Thế mà bạn gọi tôi là da màu ư???”
Hồ
Chí Minh, vị Cha già của dân tộc Việt Nam ta đã ra đi nhưng Người vẫn
sống, vẫn sống mãnh liệt trong trái tim mỗi con người. Bởi lúc Người
còn sống, Người đã dành trọn tình yêu thương cho cả đất nước đang gặp
gian khó.
“Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”
“Bác ơi tim bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ lụa tặng già”
Chúng
ta đang sống trên cùng một hành tinh xanh, chúng ta đang sống giữa
cộng đồng, xã hội, chúng ta đang từng ngày phát triển, đồng thời ta
phải yêu thương và tương trợ lẫn nhau, làm cho mọi người cùng đi lên
theo tốc độ công nghiệp hóa của đất nước. Rồi sẽ một ngày ta như những
công dân Hoa Kỳ. Việt Nam phát triển như Anh, Pháp, Úc, chúng ta chỉ
đạt được khi chúng ta giũ vững những truyền thống tốt đẹp ngàn đời :
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Và khi được ai đó hỏi rằng : “Người sống với người như thế nào?”, ta có thể tự tin mà nói rằng:
“Người sống với người bằng tình yêu thương”!