Hoạt động phá băng đóng vai trò rất quan trọng khi bạn đang cố gắng làm quen với học sinh của mình, nhất là khi bạn chưa từng gặp học sinh trước đó. Tùy thuộc vào cách tổ chức lớp học, bạn có thể lựa chọn và sử dụng các loại hoạt động dưới đây. Bạn cũng có thể điều chỉnh các hoạt động này để sử dụng khi bắt đầu bài học mới. Học sinh sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc chia sẻ ý tưởng của bản thân khi bớt đi khoảnh khắc im lặng và ngại ngùng ban đầu
Dưới đây là một số hoạt động phá băng thú vị mà bạn có thể sử dụng với mọi lớp học.
1. Tìm hiểu tên
Để tìm hiểu tên của học sinh, bạn có thể tiến hành hoạt động, cho học sinh thay phiên nhau giới thiệu thên của mình. Bạn có thể làm cho điều này trở nên thú vị hơn bằng cách yêu cầu học sinh nhắc tên của các bạn trước đó rồi mới giới thiệu đến tên của mình. Để làm cho nó thú vị hơn và để tìm hiểu thêm về học sinh, hãy yêu cầu học sinh đưa thêm các thông tin như biệt danh, màu sắc, môn thể thao hoặc bộ phim mà học sinh yêu thích. Khi kết thúc hoạt động, bạn nên cố gắng để nhớ và gọi tên mỗi học sinh. Nếu đây là buổi học đầu tiên và học sinh lần đầu gặp nhau hãy tiến hành một số hoạt động khác như để học sinh đứng thành một vòng tròn, học sinh sẽ gợi ý về tên của mình, sau đó yêu cầu cả lớp đoán.
2. Tìm một ai đó…
Nếu học sinh đã biết tên của nhau, hãy để chúng chơi trò “Tìm người nào đó…”. Một học sinh bất kì sẽ đưa ra các thông tin để đố các thành viên khác trong lớp đoán xem đó là ai. Ví dụ, khi học sinh được chọn là Lan. Bạn đó sẽ đố, người này thích xem phim ở rạp vào ngày chủ nhật/ người này thích ăn kem vào mùa đông,… Theo cách này, các bạn trong lớp có thể tìm hiểu thêm về những sở thích và thông tin cá nhân của nhau. Hãy khuyến khích học sinh đưa ra câu đố về những người chưa được đề cập. Điều này cung cấp cho tất cả mọi người cơ hội để chia sẻ.
3. Chia sẻ và ghi nhớ
Một hoạt động khác giúp học sinh trao đổi với những người ngồi xung quanh. Cho học sinh nói chuyện với người bên cạnh về một sở thích chẳng hạn. Sau một hoặc hai phút, học sinh quay sang người bên trái và nói về chủ đề khác. Sau một thời gian, bạn có thể cho học sinh chia sẻ về những điều mà bạn mình đã nói. Hãy thử xem, học sinh nào có khả năng ghi nhớ được nhiều nhất.
4. Cái gì là quan trọng nhất
Nếu lớp học của bạn khá nhỏ, bạn cũng có thể cân nhắc để học sinh nghĩ về ba đồ vật mà chúng sẽ mang theo khi đến một hòn đảo hoang vắng và sau đó chia sẻ lý do tại sao lại chọn đồ vật đó. Đây là một cách thú vị để nghe về những gì quan trọng đối với học sinh và cách học sinh sắp xếp suy nghĩ của chúng. Nếu lớp học của bạn lớn hơn, bạn có thể tiến hành hoạt động trong các nhóm, điều này khuyến khích học sinh nói chuyện với nhau. Một hoạt động nhóm tương tự khác là để học sinh viết ra từ đầu tiên xuất hiện trong đầu khi nghe bạn nói đến một màu sắc nào đó. Sau đó, học sinh có thể thảo luận lý do tại sao lại có sự giống nhau giữa các học sinh hoặc chọn một học sinh có một liên tưởng độc đáo nhất và giải thích.
5. Ba tính từ miêu tả về bạn
Để giới thiệu về bản thân, bạn cũng có thể yêu cầu học sinh chọn ba tính từ để mô tả chính bản thân chúng. Nếu vào thời điểm cuối năm, giáo viên có thể cho học sinh điền các tính từ về các bạn cùng lớp. Điều này sẽ mang đến cho học sinh cơ hội củng cố tích cực và chỉ ra điểm mạnh trong cá tính của bản thân và các bạn trong lớp.
Các hoạt động phá băng tuy đơn giản nhưng rất cần thiết trong những tiết học đầu tiên. Nó cho học sinh cơ hội để chia sẻ về bản thân và tìm hiểu về các bạn của mình. Những hoạt động này thường khiến học sinh phải di chuyển hoặc suy nghĩ một cách sáng tạo. Nó sẽ tạo ra niềm vui và tiếng cười làm tan biến mọi căng thẳng trong lớp học của bạn. Điều quan trọng là học sinh cảm thấy dễ dàng tương tác với nhau – một yếu tố quan trọng để tạo nên một tiết học hiệu quả.
TARA ARNTSEN
Táo Giáo Dục dịch