Phải thú nhận rằng: Tôi ghét các cuộc thảo luận trong lớp học. Vì nó giống như trò chơi bóng chày, (mặc dù tôi rất thích môn này). Trong môn bóng chày, hầu hết thời gian chỉ có ba người chơi tham gia: người ném bóng, người bắt bóng và người đánh bóng. Mọi người khác đang đứng xung quanh – hoặc ngồi trên băng ghế – để xem. Và nếu nó là bóng chày dành cho trẻ con, thì hầu hết người chơi đều nghĩ, ‘Làm ơn, làm ơn, làm ơn … đừng đánh nó cho tôi!
Trong các cuộc thảo luận trên lớp học, chỉ có một số ít học sinh tham gia. Giáo viên hỏi một câu hỏi – ném bóng – và học sinh vung gậy (và có thể bỏ lỡ!) Hoặc học sinh luôn đón lấy câu hỏi trước khi nó chạm đất và lăn đi. Hầu hết mọi người khác trong phòng đều nghĩ, ‘Làm ơn, làm ơn, làm ơn … đừng gọi đến tôi!’
Đó là lý do vì sao mà tôi ghét các cuộc thảo luận trong lớp – có thể hơi cường điệu, nhưng sẽ tốt hơn nếu mọi người tích cực tham gia trong giờ học, và nếu chúng ta đảm bảo rằng tất cả học sinh đều có cơ hội được lắng nghe, đặc biệt là những học sinh hay bị gạt ra bên lề của các cuộc thảo luận.
Thông thường, các giáo viên thường khuyến khích học sinh ghi chép trong khi thảo luận, hoặc chia lớp thành các nhóm nhỏ hơn và cung cấp cho chúng một vai trò và trách nhiệm cụ thể. Tuy nhiên, có những vấn đề với các phương pháp này.
Đầu tiên, học sinh không có đủ thời gian để ghi chép, việc ghi chép sẽ khiến học sinh bỏ qua một số ý tưởng quan trọng.
Thứ hai, cách chia học sinh thành nhóm nhỏ cũng có nhiều vấn đề. Chúng tôi đã thấy các nhóm bị chi phối bởi một hoặc hai thành viên. Việc phân công các vai trò cụ thể không thực sự giúp ích nhiều, vì sau một thời gian, những học sinh khá hơn sẽ không thể kiên nhẫn ngồi yên để lắng nghe những học sinh rụt rè hoặc không có ý tưởng.
Thứ ba, và cũng là lí do quan trọng nhất, cả hai cách tiếp cận đều không giúp học sinh có được các kỹ năng để tự tin đóng góp vào việc cho và nhận trong các cuộc thảo luận mở.
Vì vậy, những giải pháp cần thực hiện là gì?
– Các phương pháp pháp hỗ trợ trong các cuộc thảo luận sẽ thúc đẩy quá trình học tập
Thay vì tổ chức các cuộc thảo luận thông thường, học sinh có ít cơ hội để thực hành và áp dụng các kỹ năng của một cuộc thảo luận thực sự, chúng ta có thể tạo cơ hội cho học sinh tương tác với nhau để:
- Hỏi và khám phá câu hỏi/ thắc mắc của riêng chúng
- Giải quyết vấn đề và phát triển khả năng đọc hiểu
- Tổng hợp, suy ngẫm về việc học
Vấn đề là học sinh phải dành nhiều thời gian và thực hành, và những hoạt động như thế này chỉ thực sự hiện quả đối với những lớp học có được niềm tin và sự an toàn … đặc biệt là với những học sinh thường bị bỏ qua hoặc bị lấn át bởi các học sinh khác. Điều này có nghĩa là, trong giai đoạn đầu chúng ta phải chấp nhận các hoạt động thảo luận có vẻ lộn xộn, cẩu thả, thậm chí là thất bại… Trong các cuộc thảo luận đó, học sinh chủ yếu là im lặng, hoài nghi hoặc hỗn loạn. Đối với những giáo viên đã quen với việc kiểm soát lớp học bằng mệnh lệnh, thì có lẽ đây là điều khó có thể chấp nhận được. Nhưng cũng giống như học sinh sẽ mất thời gian để có được sự thành thạo các kỹ năng học thuật, giáo viên sẽ mất thời gian để học hỏi kinh nghiệm tổ chức và hỗ trợ các cuộc thảo luận mang tính xây dựng, và duy trì được kỷ luật lớp học.
Hãy để học sinh được nói nhiều hơn… và yêu cầu học sinh cũng chấp nhận những rủi ro, thất bại.
Sau đó, đây là 5 hoạt động hữu ích để giúp học sinh của bạn tương tác với nhau nhiều hơn. Với tất cả các hoạt động này, học sinh cần được làm mẫu, có cơ hội để thực hành và hỗ trợ đưa ra phản hồi cụ thể.
Trước khi bắt đầu các hoạt động thảo luận, hãy trao đổi cùng học sinh về ý nghĩa của việc làm này trong lớp học:
- Thảo luận với học sinh về sự công bằng trong học thuật, về việc mọi người đều có quyền thể hiện quan điểm, tiếng nói.
- Chia sẻ với học sinh về hành trình của riêng bạn để tìm ra tiếng nói học thuật, và cả hành trình của những người khác để học sinh có những hình mẫu. Giúp học sinh của bạn thấy rằng đây không phải là một kỹ năng sẵn có ngay từ khi sinh ra. Và việc gặp khó khăn trong việc thể hiện quan điểm là điều hết sức bình thường.
- Cho học sinh thấy được mục đích của hoạt động thảo luận là để hình thành các kĩ năng, việc học sinh trả lời sai hoặc không thể hiện tốt như các học sinh khác không phải là sự kém cỏi. Đó là quá trình chúng ta thất bại để trưởng thành hơn.
- Làm cho nó rõ ràng bằng lời nói và hành động, rằng đây sẽ không phải là một nơi khác mà họ sẽ im lặng
- Tìm các hình mẫu tốt để học sinh có thể học theo, cùng nhau phân tích các điển hình thành công
- Tham gia vào các cuộc thảo luận và chia sẻ câu hỏi và suy nghĩ của riêng bạn. Và sau đó, nhắc nhở học sinh rằng bạn đang làm người mẫu, để học sinh có thể học theo và phát triển kỹ năng thảo luận của mình: yêu cầu học sinh đưa ra những phản hồi cụ thể về các nhiệm vụ của bạn.
- Dành thời gian cuối hoạt động để cho phép học sinh suy nghĩ về những điểm đã làm tốt, những điểm cần rút kinh nghiệm và xác định các mục tiêu và chiến lược cụ thể để cải thiện các kỹ năng của bản thân.
- Phỏng vấn tác giả
Tôi thực sự yêu thích hoạt động này vì nó bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi, mà tôi cho rằng đây là hoạt động hiệu quả nhất. Một điểm cộng nữa là nó có thể được sử dụng với nhiều văn bản khác nhau và trên các lĩnh vực nội dung. Học sinh tạo ra các câu hỏi, sau đó hợp tác để đưa ra câu trả lời bằng cách sử dụng các tài liệu học tập.
- Thảo luận theo cặp đôi
Hoạt động này được thực hiện vô cùng đơn giản, thay vì đặt ra câu hỏi và học sinh ngay lập tức đưa ra câu trả lời. Giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận theo cặp đôi trong một khoảng thời gian nhất định. Việc làm này cho phép học sinh nào cũng được nói và chia sẻ ý tưởng. Nó cũng giúp học sinh bớt được cảm giác e ngại thậm chí là sợ hãi khi bất ngờ bị yêu cầu phải đưa ra câu trả lời.
- Câu hỏi có hướng dẫn
Một hoạt động tập trung vào khả năng nói và diễn đạt của học sinh là các câu hỏi hướng dẫn. Thay vì đặt ra một câu hỏi lớn, đòi hỏi học sinh tư duy và đưa ra câu trả lời. Giáo viên đưa các câu hỏi dẫn dắt, mang tính hướng dẫn, khi học sinh lần lượt trả lời được các câu hỏi nhỏ nghĩa là chúng sẽ có câu trả lời cho câu hỏi lớn mà giáo viên đưa ra. Ví dụ thay vì đưa một bức tranh lên màn hình và hỏi: con có cảm nghĩ gì sau khi xem bức tranh? Giáo viên sẽ đưa ra các câu hỏi như: hãy tưởng tượng con ở trong khung cảnh này, mắt con nhìn thấy gì? Tay con chạm vào đâu? Tai con nghe thấy âm thanh gì? Mũi con ngửi thấy mùi gì? Lưỡi con cảm thấy vị gì? Và cuối cùng, hãy nói cho thầy biết, con có cảm xúc như thế nào?
- Kĩ thuật mảnh ghép
Đây là một kĩ thuật dạy học khá phổ biến, nó là sự kết hợp giữa sở thích cá nhân và hoạt động nhóm, vì trong kĩ thuật mảnh ghép mọi người đều có cơ hội vừa là chuyên gia vừa là người học. Khi giáo viên ghép các sinh viên thành các nhóm phù hợp với năng lực, nội dung và quan điểm – và yêu cầu mỗi nhóm thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, học sinh cảm thấy có cơ hội được nói, được thể hiện ý kiến của mình. Sau hoạt động này, giáo viên tiếp tục trộn các nhóm để tạo lập nên các nhóm mới, khi đó học sinh sẽ có cơ hội tiếp theo để trình bày về vấn đề đã thảo luận trong nhóm trước đó.
- Kĩ thuật phòng tranh
Không giống như các hoạt động khác, có thể làm tăng mức độ tiếng ồn trong phòng, hoạt động này khuyến khích suy nghĩ sâu sắc bằng cách cung cấp môi trường yên tĩnh để học sinh suy ngẫm và đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi. Học sinh sẽ di chuyển xung quanh lớp học, quan sát các sản phẩm của các nhóm khác nhau và trao đổi nhỏ với các bạn trong nhóm để đưa lại các nhận xét, phản hồi. Bằng cách này, học sinh có cơ hội di chuyển xung quanh, được quan sát nhiều sản phẩm hơn và dễ dàng hơn trong việc đưa ra phản hồi về các vấn đề mà chúng quan tâm.
Việc phát triển kĩ năng nói của học sinh nói chung và việc tăng cường cơ hội được nói trong các hoạt động nhóm của học sinh nói riêng là việc làm có ý nghĩa quan trọng. Bởi vì, khi chúng ta muốn học sinh nghe, giáo viên hãy nói. Khi chúng ta muốn học sinh học, hãy để học sinh được nói.
Jon Altberg
Táo Giáo Dục dịch