8 CÁCH GIÚP BẠN HỌC TỐT MÔN ĐỊA LÍ
Môn địa lí là một môn học rất thú vị vì cho ta hiểu rõ hơn về các yếu tố tự nhiên- xã hội xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, với một “kho” kiến thức bao la khiến bạn cảm thấy chán nản và khó “ẵm trọn” được nó. Vậy có cách nào để lấy lại cảm hứng yêu thích môn địa lí nhưng vẫn đảm bảo lượng kiến thức mình cần phải nạp vào? Hãy tham khảo những cách học hiệu quả mà baivan.net đã tổng hợp dưới đây, chắc chắn nó sẽ rất hữu hiệu cho bạn.
1. Tạo niềm yêu thích môn học
Bất cứ làm một việc gì cũng vậy, bạn sẽ thực sự cố gắng làm tốt khi trong mình có niềm yêu thích và đam mê với nó. Học địa lí cũng vậy, bạn cần phải có niềm yêu thích, có như vậy bạn mới chịu khó tìm tòi, học hỏi. Tuy nhiên, không phải đơn thuần nói thích là sẽ thích nó ngay từ đầu, mà bạn cần phải chịu khó tìm hiểu sự vật, hiện tượng xung quanh ta, từ đó đưa ra những câu hỏi lí giải để gây sự kích thích và hứng thú cho bạn đối với môn học này.
Ví dụ: Trời đang mưa, bạn hãy đặt câu hỏi mưa từ đâu mà ra? Tại sao lại mưa? Cái gì gây ra mưa?...
2. Chăm chỉ học ngay từ trên lớp
Trong quá trình học tập trên lớp, bạn phải cố gắng nghe giáo viên giảng bài, nắm rõ vấn đề thì mới có khả năng vận dụng tốt. Tuyệt đối bạn không nên đem môn học khác học trong giờ Địa lý bởi vì học cùng một lúc hai môn kết quả không được tốt và bạn không tập trung vào được môn nào. Trong giờ Địa nên ghi chép một cách đầy đủ, khoa học. Khi kết hợp giữa nghe giảng và chép bài thì bạn sẽ thấy hiệu quả cao hơn.
3. Tóm tắt bài học bằng sơ đồ tư duy
Đối với những bài học có nội dung liên quan đến nhau thì các bạn nên tóm tắt những ý chính bằng sơ đồ hóa (việc làm này sẽ giúp cho bạn nắm bắt được bài cũ nhanh chóng và ôn tập một cách dễ dàng). Khi mà bài mới có sự liên quan đến bài cũ thì với sơ đồ hệ thống lại bạn hoàn toàn có thể xem lại để khắc sâu thêm kiến thức, tránh được những nhầm lẫn kiến thức.
4. Tạo nên những con số dễ nhớ
Một điều nữa mà ai cũng “sợ” ở môn Địa lý đó là việc có quá nhiều các con số, hoặc một dãy số liệu quá dài. Tuy nhiên, một mẹo nhỏ là các bạn không nhất thiết phải nhớ chính xác các con số. Trong một số trường hợp có thể chỉ cần đưa ra những con số tương đối.
Bạn cũng không nhất thiết phải nhớ hết cả một dãy số liệu quá dài nhưng nhất thiết phải nhớ được những số liệu cơ bản làm dẫn chứng cho bài viết. Ví dụ: dẫn chứng về tốc độ gia tăng dân số nước ta thì cần nắm được những mốc quan trọng, thường là đầu – cuối hoặc những năm có sự biến động lớn như tăng, giảm đột ngột....
5. Kỹ năng vẽ và phân tích biểu đồ
Biểu đồ là dạng bài tập quen thuộc đối với môn địa lí. Bất cứ trong bài thi nào cũng rất dễ gặp dạng biểu đồ này. Vì vậy, bên cạnh học kiến thức lí thuyết, bạn cũng nên dành thời gian để trau dồi kĩ năng vẽ và phân tích biểu đồ. Hãy bắt đầu bằng những biểu đồ đơn giản, sau đó là những biểu đồ phức tạp hơn. Để vẽ được biểu đồ, hãy quan sát thật kĩ các biểu đồ có trong sách về cách chia, chú thích, cách biểu diễn và dạng của biểu đồ khi thể hiện điều gì….
Tập vẽ đi vẽ lại nhiều lần, phân tích bảng số liệu, phân tích biểu đồ nhiều lần sẽ giúp bạn thành thạo và xử lí nhanh chóng.
6. Đọc thêm tài liệu
Để có thể học tốt nhất,ngoài kiến thức trong sách giáo khoa bạn có thể tham khảo thêm các sách khác viết về tự nhiên và dân cư. Xem các tư liệu về chủ đề này cũng cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích, củng cố cho nội dung bài học. Ngoài ra, các bạn có thể đọc các sách hướng dẫn tham khảo, theo dõi tin tức sự kiện thực tiễn để làm dẫn chứng thuyết phục trong bài làm của mình.
7. Tạo nhóm học tập
Nếu muốn đạt kết quả cao trong môn học này thì không nên học một mình. Hãy tìm một người bạn hoặc một nhóm bạn cùng có niềm yêu thích với môn Địa lí để có thể thường xuyên trao đổi bài với nhau. Các thông tin bổ ích do từng người tìm được liên quan đến bài học, các câu hỏi suy luận, các kiến thức được nhắc lại thường xuyên sẽ giúp việc học thú vị và tiếp thu được nhiều hơn.
8. Học cách sử dụng atlat
Đối với địa lí 8; 9, sử dụng Atlat trong quá trình học là một phương pháp rất hữu ích. Hơn nữa, Atlat còn là cuốn mà học sinh được mang vào phòng thi. Khi học lý thuyết kết hợp với những biều đồ, bản đồ trong Atlat thì việc tiếp nhận thông tin kiến thức sẽ nhanh hơn rất nhiều. Có kỹ năng sử dụng Atlat tốt thì chắc chắn bạn sẽ học môn Địa cũng sẽ rất tốt. Bởi vì, nó hình thành cho bạn tư duy, cái nhìn khoa học từ những hình ảnh, dữ liệu trong Atlat. Chính vì vậy, để học tốt môn Địa Lý 8;9 rất cần đến Atlat.
Trên đây là những phương pháp giúp bạn có niềm đam mê và học tốt hơn môn địa lí. Tuy nhiên, bất cứ cái gì cũng vậy, yếu tố cần có với bất kì môn học nào khi muốn đạt hiệu quả tốt nhất đó là sự chăm chỉ, hứng thú. Vì vậy,hãy cố gắng tạo cho mình có được hai điều này, kết hợp với những phương pháp được gợi ý ở trên, bạn nhất định sẽ chinh phục được môn Địa lí.