Để lấp ngay khoảng trống trong thời gian các học sinh được nghỉ, nhiều trường học lập tức phát triển mô hình “lớp học online” - trực tuyến. Đơn cử như trường hợp trường Tiểu học I - Sắc Niu - Tơn ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngay khi nhận được quyết định học sinh được nghỉ, lãnh đạo nhà trường đã chuyển hình thức học sang mô hình online để tránh gián đoạn chương trình.
Tương tự như trường Tiểu học I - Sắc Niu - Tơn, không ít nhà trường đã tổ chức lớp học online, thậm chí các giờ ra, vào lớp vẫn áp dụng tương tự khi các học sinh đến lớp như ngày thường. Một số trường khác lại áp dụng hình thức giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh, sau đó nhờ phụ huynh “kiểm tra chéo” giúp.
|
Các giáo viên trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, Hà Nội dọn vệ sinh nhà trường để phòng, chống dịch. Ảnh: Bảo Trọng |
Cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên dạy ngoại ngữ trường THCS Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: “Từ khi các học sinh được nghỉ, tôi chuyển sang hình thức dạy theo dạng ra bài cho học sinh, sau đó nhờ phụ huynh kiểm tra lại giúp. Do đang trong giai đoạn học sinh ôn chuẩn bị kiểm tra 1 tiết nên sẽ giao bài về nhà nhiều hơn”.
Cũng theo cô Tuyết, lịch nghỉ một vài ngày không sao, nhưng nếu kéo dài cũng thấy “buồn buồn” vì nhớ lớp, nhớ trường, nhớ trò. Và, còn một điều đáng lo ngại nữa, đó là việc tính tự giác học tập cũng như kỷ luật của các học sinh.
“Chỉ sợ nghỉ lâu quá ảnh hưởng nề nếp, sau trở lại khó rèn. Hơn nữa, có em còn chưa tự học được, nếu nghỉ dài có thể sẽ quên hoặc hướng dẫn lại sẽ vất vả hơn” - cô Tuyết nói thêm.
Liên quan đến câu chuyện giáo viên có được nghỉ dịp này, bà Vũ Lan Anh - Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cho hay, các giáo viên vẫn đi làm như bình thường. Ngoài việc đến trường soạn giáo án, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp, tổ bộ môn, theo bà Lan Anh, các giáo viên vẫn thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà trường, cùng đội ngũ cán bộ y tế tiếp tục duy trì môi trường sạch đẹp, an toàn để sẵn sàng chào đón học sinh trở lại.
Có một số ý kiến lo ngại về thời gian nghỉ sẽ ảnh hưởng đến thời điểm kết thúc năm học, nhưng theo bà Vũ Lan Anh, trong mỗi năm học đều có khoảng thời gian trống để dạy bù, kể cả sử dụng quỹ kỳ nghỉ hè, do vậy, việc chạy chương trình đúng quy định không đáng lo ngại.
Ở trường, học sinh được trang bị thêm kỹ năng sống
Theo bà Trần Thị Trinh - Hiệu trưởng trường Mầm non Xe Lửa, quận Long Biên, Hà Nội, dịch corona (nCoV) cũng như bao dịch khác mà Việt Nam từng trải qua. Việc chủ quan sẽ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Việt Nam đã có sự chủ động tích cực, đã có những bệnh nhân khỏi bệnh, điều có có nghĩa, đã có thể làm chủ trong công tác điều trị.
Đối với các nhà trường, theo bà Trinh, việc cho các học sinh nghỉ là cần thiết, giúp cho công tác ứng phó với dịch bệnh được chủ động. “Nhưng theo tôi, quan trọng là chúng ta đã có 1 tuần cho các cơ quan liên quan thực hiện công tác phòng, tránh cũng như hoạt động tuyên truyền. Với riêng các nhà trường, đã có sự chuẩn bị như khử trùng, sát khuẩn, dọn dẹp trong, ngoài cơ sở cũng như cập nhật các kiến thức, kỹ năng căn bản về phòng, chống dịch từ các cơ quan y tế. Như vậy, nên chăng để cho học sinh sớm trở lại lớp để tiếp tục học tập sau đợt nghỉ này”.
Cũng theo phân tích của Hiệu trưởng trường Mầm non Xe Lửa, riêng hệ mầm mon, các học sinh được trang bị nhiều lớp kỹ năng sống, đơn cử như việc khi có dịch thì cần làm gì, rửa tay, vệ sinh thân thể như nào cho đúng, hay gần đây là cách cách thức đeo khẩu trang y tế.
“Từ khi có dịch nCoV, nhà trường đã soạn ngay giáo án để các cô hướng dẫn học sinh trong các buổi giảng. Giáo án này đã được cơ quan y tế có thẩm quyền hướng dẫn. Nhưng tiếc là chưa kịp phổ biến, các em đã nghỉ học theo quy định” - bà Trinh nói thêm.
Nói về câu chuyện học sinh được nghỉ học thêm 1 tuần, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng, không phải vô cớ các cơ quan chức năng cho học sinh nghỉ dài. Bởi đây là quyết định đã được tham khảo từ các chuyên gia chuyên môn, trong đó có vấn đề liên quan công tác phòng, chống dịch corona.
“Như lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã khẳng định, chúng ta sẽ có những khoảng thời gian để dạy bù. Chỉ mong các phụ huynh lưu ý, cho con nghỉ, đi học đúng quy định, không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, để con ở nhà lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập và tính kỷ luật được rèn giữa trong môi trường sư phạm” - ông Linh nói thêm.