Làm việc theo nhóm sẽ giúp các em HS tự chủ hơn trong học tập. Ảnh: N.Anh
|
Giáo dục thế hệ trẻ không chỉ chú trọng “dạy chữ” mà còn phải quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ “dạy người”. Con người không chỉ có tri thức mà còn phải biết sống đúng, sống đẹp, sống có ích.
Đó chính là nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) cho học sinh (HS) mà nhà trường, gia đình và xã hội phải chung tay gánh vác.
GDKNS - không thể thiếu
Với mục đích trang bị cho con người những hiểu biết và kinh nghiệm thực tế để trải nghiệm trong đời sống, từ trước đến nay GDKNS đã được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào trường học. Ở Việt Nam, mục tiêu GD đang chuyển hướng từ trang bị kiến thức nặng lý thuyết sang trang bị những năng lực cần thiết cho người học. Vì thế có thể coi GDKNS là nhiệm vụ cấp thiết và không thể thiếu được đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, trường học và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Điều đó cũng khẳng định thêm tầm quan trọng và yêu cầu thiết yếu đưa GDKNS vào trường học cùng với các bộ môn khoa học khác. Theo GS.TSKH Thái Duy Tuyên, để thực hiện thành công GDKNS, nhà trường trước hết cần chú ý nâng cao chất lượng dạy triết lý sống, quan niệm nhân sinh và cách rèn luyện bản thân. Bởi vì nếu biết sống khéo léo, tháo vát, thậm chí sành điệu mà triết lí sống, quan niệm sống lệch lạc và không biết tu dưỡng bản thân thì cách sống khéo léo đó lại đưa đến những điều tai hại khôn lường. Ở một cách diễn đạt khác, theo TS. Đinh Phương Duy - Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM - kỹ năng sống chính là năng lực tâm lý xã hội giúp các cá nhân thỏa mãn có hiệu quả những nhu cầu (sống, học tập, lao động, vui chơi…) và giải quyết các thách thức (tệ nạn, căng thẳng, mâu thuẫn…) của cuộc sống. Vì vậy, KNS không chỉ bó hẹp trong kỹ năng, năng lực tâm lý - xã hội mà còn bao gồm nhiều kỹ năng khác để thích ứng. TS. Duy đã vạch ra một lỗi lầm cần phải rút kinh nghiệm. Đó là vì quá chú trọng đến năng lực tâm lý - xã hội nên trong nhiều trường hợp, các lực lượng GD có vẻ thiên về những vấn đề, giải pháp tâm lý hơn so với những vấn đề sinh học, thể chất hoặc bản năng. Còn ThS. Trần Mai Ước - giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho rằng những người chú tâm rèn luyện KNS luôn có hành vi tích cực để góp phần xây dựng và làm giảm bớt các tệ nạn xã hội, làm cho cuộc sống luôn tươi sáng và văn minh hơn. Vì thế, KNS không chỉ là “giá đỡ” khi thực hiện mục tiêu GD mà còn là “chiếc chìa khóa vạn năng” giúp con người từng bước khẳng định bản ngã chính mình. ThS. Trần Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - nhấn mạnh: “Việc GDKNS cho các em là điều quan trọng mà ai cũng biết nhưng quan trọng hơn nữa là các em biết vận dụng những kỹ năng đó như thế nào vào cuộc sống”. Đó cũng là một thách thức quyết liệt khi chọn lọc những kỹ năng cần thiết để định hướng cho HS, giúp các em trưởng thành và sống một cách vững vàng hơn.
Nhân tố quyết định thành bại
Hơn ai hết, lực lượng giáo viên có một vai trò quan trọng trong việc GD, tổ chức, rèn luyện KNS cho HS trong môi trường sư phạm. Các thầy cô không chỉ là “chất xúc tác” tạo nên hiệu ứng dây chuyền trong GDKNS mà còn là tấm gương để các em soi rọi trong quá trình rèn luyện và tự tu dưỡng. ThS. Trương Thị Mỹ Lai - Hiệu trưởng Trường THCS Sông Đà - thừa nhận: Bằng tài năng và bản lĩnh sư phạm tuyệt vời, mỗi nhà giáo là một kỹ sư tâm hồn sẽ thiết kế nên những lâu đài GD, lên chương trình và hoạch định các hoạt động GDKNS cho HS thông qua nhiều “cửa ngõ” khác nhau như tiết dạy bộ môn văn hóa, tiết sinh hoạt chủ nhiệm, hoặc các hoạt động GD ngoại khóa. Song song đó, những phong trào thi đua, khen thưởng chính là bệ phóng và nguồn động lực không bao giờ cạn giúp các em có thêm niềm tin trong học tập và rèn luyện nhân cách đạo đức. Tác phong mẫu mực hết lòng thương yêu HS của mỗi nhà giáo sẽ là tác nhân tích cực trong việc GDKNS. Qua nhịp cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, thầy cô mở ra một không gian sống động và thiết kế cho các em có được môi trường học tự lập, chủ động bằng những “kỹ thuật nhà nghề” như: Tổ chức lớp học, làm việc theo nhóm, kỹ năng tự phục vụ...
Nói như thế cũng không phải là phủ nhận vai trò của người quản lý - nhân tố tích cực trong việc tổ chức rèn luyện KNS cho HS. Thực tế cho thấy, tổ chức GDKNS khó có thể thành công nếu chỉ là công việc tự phát của một người hoặc một nhóm người. Như người thuyền trưởng cầm lái cho cả con thuyền hướng ra phía trước, họ là một lực lượng vô cùng quan trọng và quyết định tất cả sự thành bại. Vai trò định hướng, chỉ đạo thiết kế, tổ chức của những người quản lý xã hội, quản lý GD các cấp không thể và không bao giờ được vắng mặt.
Cuối cùng sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường có thể ví là “mối lương duyên” để làm nên sự thành bại trong GDKNS. Các thành viên trong “thế giới ngày mai” không chỉ được lớn lên từ trong tràn đầy hạnh phúc của những ngôi nhà bình yên mà còn phải biết đứng lên bằng đôi chân vững chãi mà thế trụ là nhà trường và xã hội.
Phan Ngọc Quang